Cuộc cách mạng tại Alibaba: Đổ tiền làm video quảng cáo, lập 3 trung tâm mới, xoá nhoà khoảng cách Taobao và Tmall
Alibaba Group Holding đã tái cấu trúc các hoạt động phụ trợ của những nền tảng bán lẻ trực tuyến cốt lõi tại thị trường Trung Quốc là Taobao Marketplace và Tmall. Động thái này được đưa ra khi gã khổng lồ thương mại điện tử muốn củng cố vị trí dẫn đầu tại thị trường tỷ dân trong bối cảnh chính phủ nước này tiếp tục thắt chặt quy định cũng như sự cạnh tranh đang tăng lên, theo South China Morning Post.
Việc tái cấu trúc bao gồm quá trình thành lập ba trung tâm hoạt động mới cho cả Taobao và Tmall, tập trung vào các chiến lược nền tảng, mở rộng người dùng và phát triển công nghiệp cho người bán, theo một báo cáo từ tờ People's Daily, trích dẫn một bức thư nội bộ của Alibaba. Alibaba sau đó đã xác nhận báo cáo này, nhưng từ chối đưa ra bình luận.
Thiết lập mới đó, có hiệu lực ngay lập tức, dự kiến sẽ thúc đẩy sự chú ý của hai nền tảng đối với trải nghiệm người dùng và khuyến khích cái gọi là "đổi mới toàn thể".
Tờ People's Daily cho biết các nhà lãnh đạo được chỉ định của ba trung tâm đó có nhiệm vụ báo cáo trực tiếp với Trudy Dai Shan, người mới nhậm chức lãnh đạo bộ phận thương mại kỹ thuật số của Alibaba tại Trung Quốc, đơn vị kết hợp thị trường bán buôn và thị trường hướng tới người tiêu dùng của công ty.
Sự kiện này cũng đánh dấu sáng kiến lớn đầu tiên của Dai trong vai trò mới chỉ một tháng sau khi Alibaba thực hiện cuộc cải tổ mạnh mẽ. Dai, người đã làm việc trên nhiều mảng kinh doanh ở Alibaba, cũng được biết tới là một trong những người sáng lập Alibaba, đồng thời là học trò của tỷ phú Jack Ma.
Theo Arch Pei, một nhà phân tích độc lập trước đây làm việc tại Sinolink Securities, một lý do hợp lý đằng sau việc tái cấu trúc là phá vỡ ranh giới giữa Taobao và Tmall, điều này có thể giúp tăng trải nghiệm dịch vụ tốt hơn cho người bán và thuyết phục họ tiếp tục sử dụng nền tảng của Alibaba.
Ra mắt vào năm 2003, trang thương mại điện tử Taobao mang đến cho người tiêu dùng trên khắp các thành phố lớn và các khu vực kém phát triển hơn của Trung Quốc trải nghiệm mua sắm mới, được cá nhân hóa từ các thương gia nhỏ cũng như được tối ưu hóa bằng công nghệ và nền tảng phân tích dữ liệu lớn.
Trong khi đó, nền tảng Tmall bắt đầu hoạt động vào năm 2008, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng địa phương đối với các sản phẩm chất lượng cao từ các thương hiệu khác nhau trên toàn thế giới và mang đến trải nghiệm mua sắm cao cấp hơn so với Taobao.
Alibaba cũng đang thúc đẩy chất lượng và nội dung các loại video quảng cáo trong bối cảnh vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với Douyin, ứng dụng tương tự TikTok dành riêng cho người dùng Trung Quốc của startup công nghệ lớn nhất thế giới ByteDance.
Những video trên nền tảng ứng dụng mạng xã hội này đang ngày càng thu hút giới trẻ Trung Quốc, giúp người mua sắm có những trải nghiệm đặc biệt, theo nhà phân tích Arch Pei.
Số lượng người tiêu dùng hoạt động hàng năm trong hệ sinh thái toàn cầu của Alibaba đạt khoảng 1,24 tỷ người tính đến cuối tháng 9/2021, theo dữ liệu của công ty. Con số đó bao gồm 953 triệu người tiêu dùng ở Trung Quốc và 285 triệu người ở nước ngoài.
Vào tháng 11/2021, Alibaba đã báo cáo khoản lãi ròng đạt 5,37 tỷ nhân dân tệ (833 triệu USD), giảm 81% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh đầu tư vào các công ty giao dịch công khai thua lỗ. Dù vậy, tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc cũng ghi nhận sự tăng trưởng ở một số mảng kinh doanh chiến lược khác, chẳng hạn như Taobao Deals.