|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

COVID-19: Lần hiếm hoi WHO công khai chỉ trích các nước vì lãng phí thời gian quí báu

09:18 | 26/03/2020
Chia sẻ
Bloomberg dẫn lời Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên chính phủ các nước nên ngừng lãng phí thời gian quí báu để tập trung đẩy lùi đại dịch sau khi bỏ lỡ cơ hội tiềm năng ban đầu.

"Chúng ta đã bỏ phí cánh cửa cơ hội đầu tiên", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói. "Thời điểm cần phải hành động thực chất là hơn một tháng hoặc hai tháng trước", ông nhấn mạnh.

Đại dịch COVID-19: WHO hiếm hoi công khai chỉ trích các nước lãng phí thời gian - Ảnh 1.

Tổng giám đốc WHO hiếm hoi công khai chỉ trích các nước lãng phí thời gian chống đại dịch COVID-19. (Ảnh: Reuters)

WHO nhìn chung thường tránh chỉ trích công khai các nước thành viên, ông Mike Ryan - người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, cho hay. Dù vậy, hôm 25/3, Tổng giám đốc WHO đã đưa ra một lời cảnh báo hiếm hoi và thẳng thừng về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của thế giới. 

Bloomberg dẫn lời ông Tedros nói thế giới đang có cơ hội thứ hai khi mà 150 quốc gia/vùng lãnh thổ có ít hơn 100 ca nhiễm COVID-19 và còn thời gian để chuẩn bị. Các nước/vùng lãnh thổ ra lệnh phong tỏa đã có thêm thời gian để áp dụng các biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn đại dịch.

Lệnh phong tỏa kéo dài bao lâu phụ thuộc vào bước đi của mỗi nước trong khoảng thời gian đó để đảm bảo dịch bệnh bị đẩy lùi, ông Tedros chia sẻ.

Tổng giám đốc WHO còn đưa ra một danh sách gồm 6 bước mà các nước nên thực hiện: Mở rộng, đào tạo và triển khai đội ngũ nhân viên y tế; triển khai hệ thống để tìm kiếm trường hợp nghi nhiễm; tăng năng lực xét nghiệm và độ có sẵn của bộ kit xét nghiệm; xác định cơ sở có thể chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến; lên kế hoạch cách li ca bệnh; và hướng chính phủ tập trung vào dập dịch.

"Thế giới chưa sẵn sàng cho một đại dịch", ông Mike Ryan nói. Chẳng hạn, chuỗi cung ứng đứt đoạn có thể đe dọa nguồn cung găng tay y tế, vốn được sản xuất từ cao su của chỉ một số quốc gia.

Nhân viên y tế thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo vệ, chuyên gia dịch tễ Maria Van Kerkhove của WHO cho hay. 

Người khỏe mạnh không cần khẩu trang y tế và y bác sĩ nên được trang bị thiết bị bảo hộ chứ không phải bị tước đi chỉ vì đất nước họ sử dụng vật tư y tế sai cách.

"Đây là điều không thể chấp nhận được", bà Kerkhove nhấn mạnh. "Bảo vệ sức khỏe của nhân viên y tế phải là ưu tiên hàng đầu".

"Chúng ta cần một hệ thống y tế mạnh mẽ trên cả qui mô quốc gia lẫn quốc tế, đó chính là bài học rút ra từ đại dịch COVID-19", ông Ryan nhận định.

Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Y tế Việt Nam tính đến sáng ngày 26/3 (giờ Việt Nam), đại dịch COVID-19 đã lây lan đến 195 quốc gia/vùng lãnh thổ, khiến tổng cộng 425.725 người nhiễm bệnh và 18.953 người tử vong.

Trong khi số ca nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục chững lại đáng kể và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã dần mở cửa trở lại thì tình hình ở Italy, Mỹ, Tây Ban Nha và Đức đang diễn biến cực kì phức tạp với số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh.

Khả Nhân

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.