|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Công thức để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu hậu COVID-19

14:05 | 29/09/2020
Chia sẻ
COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến nguồn vốn ào ạt tháo chạy, tăng biến động tài chính thế giới. Vậy Việt Nam cần làm gì để tận dụng và khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Ngày 29/9, Ngân hàng Thế giới Word Bank (WB) tổ chức Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam với chủ đề: "Việt Nam: Hành động để Phục hồi Tăng trưởng theo hướng Bền vững và Bao trùm trong Kỉ nguyên COVID-19".

Buổi thảo luận gồm ba phiên. Phiên một của buổi thảo luận tập trung đề cập đến vấn đề COVID-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới đã dành thời gian chia sẻ về những giải pháp Việt Nam có thể thực hiện trong ngắn, trung và dài hạn.

WB: Công thức nào để Việt Nam gia tăng chuỗi cung ứng toàn cầu hậu đại dịch - Ảnh 1.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới. (Ảnh: CGTN).

COVID-19 kết hợp với các xu thế làm chậm lại sự tăng trưởng GDP và thương mại toàn cầu

Phiên thảo luận đầu tiên trả lời ba câu hỏi:

- Tác động của đại dịch COVID-19 tới các nhân tố nền tảng nằm đằng sau những biến chuyển kinh tế toàn cầu.

- Những thách thức và cơ hội của dịch COVID-19 tạo ra đối với Việt Nam trong việc định vị tầm nhìn dài hạn.

- Chiến lược và chính sách cho Việt Nam áp dụng để nâng cao giá trị chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam đang trải qua thời gian chuẩn bị các kế hoạch phát triển dài hạn trong 5 năm, trong 10 năm. 

Tuy nhiên, theo bà Kwakwa, đại dịch COVID-19 là cú sốc chưa từng có đối với đời sống y tế, kinh tế và xã hội, tạo ra cú sốc cung và cầu, và những tác động lan tỏa qua biên giới, không chỉ cho riêng Việt Nam.

Theo nghiên cứu của WB, COVID-19 kết hợp với các xu thế làm chậm lại sự tăng trưởng GDP và thương mại toàn cầu. 

WB dự báo, suy thoái toàn cầu sẽ sâu hơn, dòng FDI cần thời gian phục hồi lâu hơn.

WB: Công thức nào để Việt Nam gia tăng chuỗi cung ứng toàn cầu hậu đại dịch - Ảnh 3.

Thế giới đang trải qua đợt suy thoái sâu nhất trong 8 thập kỉ. (Nguồn: World Bank).

Đợt suy thoái diễn ra lần này là đợt suy thoái sâu nhất của thế giới trong 8 thập kỉ. Ước tính thương mại hàng hóa thế giới giảm 12 – 32% năm 2020. Đặc biệt, thu nhập bình quân trên đầu người năm 2020 giảm 93% ở các quốc gia, đây là mức giảm lớn nhất trong 150 năm qua.

Nguồn vốn ào ạt tháo chạy, tăng biến động dòng tài chính thế giới

Theo vị Phó Chủ tịch, COVID-19 tạo ra cơn gió ngược mạnh, mang tác động lớn và dai dẳng bởi phạm vi ảnh hưởng toàn cầu.

Cụ thể, nguồn vốn cho phát triển chủ yếu đã giảm đi, đầu tư gián tiếp và kiều hối đều đã giảm. Đồng thời, có sự ồ ạt tháo chạy bảo toàn nguồn vốn, gây ra sụt giảm trong định giá tài sản và làm tăng sự biến động của dòng tài chính thế giới.

WB: Công thức nào để Việt Nam gia tăng chuỗi cung ứng toàn cầu hậu đại dịch - Ảnh 4.

(Nguồn: World Bank).

Các biện pháp phong tỏa do COVID-19 cũng tác động đến sự đi lại của cư dân toàn cầu. Theo số liệu của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, ICAO, số lượng hành khách đi lại hàng tháng của năm 2020 thấp hơn rất nhiều so với năm 2019. Điều này tạo ra xu hướng các quốc gia tăng cường bảo hộ trong nước, tự tái cân bằng nội địa.

COVID-19 cũng làm đứt gãy các mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu. Có thể thấy trong hình, các điểm nút trong mạng giao dịch đều bị đứt gãy, nguyên nhân là do sự tập trung quá nhiều đến một chuỗi giá trị.

"Không nên lãng phí một cuộc khủng hoảng"

Trước những cơn gió ngược mà COVID-19 mang lại, bà Kwakwa cho rằng không nên lãng phí một cuộc khủng hoảng như thế này. Cơ hội mà COVID-19 mang lại chỉ xảy ra nếu quốc gia sẵn sàng thực hiện cải cách.

Bà Kwakwa gợi ý, đại dịch thay đổi hành vi. Do đó, cách thức sản xuất công nghiệp: tự động hóa, áp dụng công nghệ hóa, đổi mới khoa học kĩ thuật,…cũng cần được thay đổi theo,

Ngoài ra, việc loại bỏ các công ty kém hiệu quả sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc tái phân bổ các cơ sở kinh doanh đa quốc gia, hình thành liên minh kinh tế mới cũng sẽ là cơ hội mới và quí giá cần Việt Nam nắm lấy.

Tham gia các công đoạn tinh xảo còn hạn chế

Theo bà Kwakwa, khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khối ASEAN như Singapore, Malaysia, Phillipines. Giá trị tham gia vào chuỗi cung ứng của Việt Nam chưa bằng 1/4 so với quốc gia kế tiếp là Philippines.

Các chỉ số, số liệu kinh tế cho thấy Việt Nam đang tiến bước phát triển, từng bước cởi mở nhưng vẫn còn đi sau rất nhiều nước. Việc tham gia vào công đoạn tinh xảo còn ở mức thấp và hạn chế.

WB: Công thức nào để Việt Nam gia tăng chuỗi cung ứng toàn cầu hậu đại dịch - Ảnh 5.

Khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khối ASEAN. (Ảnh chụp màn hình: World Bank).

Vị đại diện WB đề xuất Việt Nam nên tiến lên mức cao hơn trong nấc thang tham gia chuỗi giá trị cung ứng, tiến lên bước chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến cao cấp. 

Ước tính nếu tham gia vào chuỗi cung ứng tăng lên 1% thì mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên hơn 1%, gấp hai lần so với thương mại truyền thống mang lại.

Trước những thách thức và cơ hội đó, đại diện WB mong muốn Việt Nam cần chuẩn bị tốt để nắm bắt các cơ hội mới xuất hiện này.

Về ngắn hạn, theo bà Kwakwa, Việt Nam nên nới lỏng hạn chế đối với dòng vốn FDI đồng thời vẫn cảnh giác với việc ngăn chặn vi rút lây lan.

WB: Công thức nào để Việt Nam gia tăng chuỗi cung ứng toàn cầu hậu đại dịch - Ảnh 6.

Về ngắn hạn, Việt Nam cần nới lỏng hạn chế đối với dòng vốn FDI đồng thời vẫn cảnh giác với việc ngăn chặn vi rút lây lan. (Ảnh minh họa: UK-VN Logistics).

Về trung hạn, Việt Nam nên thực hiện các biện pháp, xây dựng các chiến lược chủ động để thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung.

Bà Kwakwa gợi ý về thay đổi trong hệ thống cấp giấy chứng nhận chất lượng COCQ, cho phép các công ty hoạt động từ xa, dọc theo chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, theo bà Kwakwa, Chính phủ cần xem lại chiến lược khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. 

Lí giải điều này, bà cho biết, trong giai đoạn phát triển hiện nay, các thành tựu đều phải có nguồn lực đáp ứng để cân bằng được với sự sáng tạo. Do đó việc đầu tư vào nguồn lực con người là rất quan trọng. Đi kèm với đó là truyền bá và ứng dụng công nghệ phải trở thành chiến lược ưu tiên.

Về dài hạn, chú trọng phát triển kĩ năng của con người là rất quan trọng. Mức độ phát triển kĩ năng của Việt Nam chỉ mới bằng 1/5 so với các nước phát triển. Đây là yếu tố then chốt giúp các quốc gia này phát triển được trong dài hạn.

Việt Nam cũng cần chú trọng phát triển kĩ năng, năng lực R&D. Điều này sẽ giúp Việt Nam từ mức hạn chế tiến tới mức cao nhất khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, vị đại diện WB cũng lưu ý đến việc cải cách pháp lí cần cân nhắc kĩ lưỡng bởi sự thay đổi nhanh chóng có thể làm mất câng bằng tiền lương. Do đó nên dùng các chính sách thuế có chủ đích để đảm bảo cân bằng những thứ do chính sách hỗ trợ công nghệ tạo ra.

Phó Chủ tịch WB tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương kết luận, đại dịch COVID-19 còn tác động lâu dài và trên nhiều lĩnh vực. Bà gợi ý Việt Nam nên tiếp tục hợp tác toàn cầu và duy trì hệ thống thương mại mở dựa trên các qui tắc thiết yếu.

Theo bà Kwakwa, công thức để Việt Nam thành công trong việc gia tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nằm ở khu vực tư nhân năng động có sự gắn kết với FDI và kết hợp với Thể chế - Giáo dục.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch Covid-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

Minh Hằng