WB: Vốn FDI vào Việt Nam giảm mạnh trong tháng 8, kế hoạch đầu tư có thể bị trì hoãn
Theo báo cáo mới nhất World Bank (WB) vừa công bố giữa tháng 9/2020, tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào mức độ phục hồi của nhu cầu trong nước sau đợt bùng phát dịch bệnh ở Đà Nẵng.
Sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ vẫn tăng nhưng mức độ phục hồi đã giảm
Báo cáo của WB cho rằng, đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Đà Nẵng đã được các cơ quan chức năng kiểm soát nhanh chóng, việc tiếp cận có mục tiêu của chính phủ gây ảnh hưởng kinh tế ít hơn so với đợt cách li toàn quốc trong tháng 4, nhưng đồng thời cũng khơi dậy tâm lí bất an cho người dân.
Trong tháng 8, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn những tháng gần đây và thấp hơn nhiều so với tỉ lệ tăng trưởng trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Theo nhận định của WB, cho dù nền kinh tế có khả năng phục hồi, nhưng những bất ổn vẫn đang ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu trong nước và niềm tin kinh doanh.
Một số lĩnh vực đã xuất hiện những biến động lớn
Theo WB, trong khi thương mại hàng hóa nói chung vẫn có khả năng phục hồi, một số lĩnh vực và thị trường đã xuất hiện những biến động lớn.
Tháng 8, Việt Nam đã duy trì được thặng dư thương mại hàng hóa với mức thặng dư hàng tháng là 3,5 tỉ USD, đóng góp vào mức thặng dư 11,9 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm 2020.
Con số tăng 2,1% của giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu cho thấy sự khác biệt lớn giữa các doanh nghiệp khi các nhà xuất khẩu trong nước tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ.
Số liệu của WB cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 4,8% (so với tháng trước) và 3,7% mỗi tháng và tăng 1,6% (so cùng kì năm trước) với các mặt hàng thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quặng sắt và một số mặt hàng thực phẩm có mức tăng lớn.
Theo thống kê, gần 3,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020, giảm 66,6% so với cùng kì. Đợt bùng phát dịch ở Đà Nẵng một lần nữa đã làm ngưng trệ hoạt động du lịch trong nước, khiến những tổn thất kinh tế của ngành này càng thêm trầm trọng.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam dường như đã tạm ngưng trong tháng 8
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (số liệu vốn FDI, đăng kí) giảm mạnh trong tháng 8 xuống còn khoảng 720 triệu USD so với 3,1 tỉ USD vào tháng 7 năm 2020.
Nhìn chung, tổng vốn FDI đăng kí đạt mức 19,5 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm 2020, giảm 14% so với cùng kì năm 2019.
WB nhận định, sự sụt giảm này có thể phản ánh sự bất ổn ngày càng tăng liên quan đến đợt bùng phát dịch bệnh ở Đà Nẵng, với việc các nhà đầu tư nước ngoài tạm dừng để đánh giá tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
Cần quan tâm nhiều hơn đến nhà đầu tư trong và ngoài nước
Theo báo cáo của WB, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 bằng cách tăng chi tiêu công, và do vậy đã dần dần làm giảm dư địa tài khóa.
Trong 8 tháng đầu năm, thu ngân sách đạt 58,3% dự toán thu ngân sách, thấp hơn 12,4% so với cùng kì do kinh tế suy thoái và các doanh nghiệp, cá nhân được miễn thuế để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Đồng thời, chi tiêu công cao hơn 8,2% so với năm 2019, phản ánh biện pháp nới lỏng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Để thực hiện mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình đầu tư công, chi đầu tư phát triển của Chính phủ tăng 41,4% so với cùng kì năm 2019.
Kết luận của WB chỉ ra rằng, hầu hết các chỉ số kinh tế và tài chính tiếp tục chứng minh khả năng phục hồi của Việt Nam, nhưng mức độ phục hồi trong nước đã giảm nhẹ trong tháng 8.
WB khuyến nghị Việt Nam trong tương lai, cần quan tâm nhiều hơn đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước do họ có thể trì hoãn kế hoạch đầu tư trong một môi trường nhiều bất ổn như hiện nay.
Ngoài ra, các chính sách ứng phó của chính phủ cần kích thích khả năng phục hồi trong ngắn hạn và duy trì sự bền vững về tài khoá và nợ vay trong dài hạn.