|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Làm sao để tránh một doanh nghiệp FDI rút đi, GDRP cả địa phương lập tức 'điêu đứng'?

12:43 | 15/07/2024
Chia sẻ
Việc quá phụ thuộc vào một hay vài doanh nghiệp FDI khiến tăng trưởng một số địa phương gần như sụt mạnh nếu có biến cố.

Trao đổi về việc mở rộng không gian tăng trưởng tại Diễn đàn Kinh tế mùa Hè 2024 do VnEconomy tổ chức ngày 15/7, các chuyên gia chỉ ra rằng khu vực FDI đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam bởi 72% xuất khẩu của nước ta phụ thuộc vào FDI.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng nảy sinh nhiều hạn chế. Có những địa phương chỉ một doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng hoặc rút đi đã khiến tăng trưởng GRDP địa phương đó sụt mạnh thậm chí tăng trưởng âm.

Vì vậy, có thể thấy còn rất nhiều điều chúng ta cần khắc phục để  vừa phát huy được sức mạnh từ nguồn vốn FDI vừa tạo những lợi thế khác của nền kinh tế.

4 con rồng châu Á không phải chỉ dựa vào xuất khẩu

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng ADB. (Ảnh chụp màn hình).

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng ADB đặt trong tổng thể nền kinh tế Việt Nam, FDI phục vụ mô hình phát triển là dựa vào xuất khẩu, tương tự như 4 "con rồng" châu Á gồm:Hàn Quốc, Đài Loan, HongKong và Singapore.

Tuy nhiên, đây chỉ là điểm khởi đầu, sau đó Hàn Quốc và Đài Loan phát triển nhưng không quá phụ thuộc vào xuất khẩu, còn hai nước khá thành công trong việc là tận dụng FDI là HongKong và Singapore.

"Việt Nam cũng vậy, chúng ta có quyền lựa chọn là cái FDI nào phù hợp với FDI nào không phù hợp bởi đây chỉ là một công cụ để phát triển nhưng không bắt buộc", ông Hùng nói. 

Hạn chế nhóm doanh nghiệp FDI chỉ đến để "mượn đất"

Với các mô hình giá trị gia tăng thấp như dệt may chẳng hạn họ thường phát triển theo mô hình đàn sếu bay. Các doanh nghiệp này đến các quốc gia có nguồn nhân công, đất đai rẻ để phát triển một vài năm rồi lại chuyển dịch sang nước khác.

Chi phí để họ chuyển dịch từ nước này sang nước kia là rất thấp. Điều này dẫn đến các địa phương hoặc các nước nơi đặt nhà máy sẽ lập tức bị ảnh hưởng doanh nghiệp FDI rút đi.

Ông Hùng phân tích, trong kinh tế Việt Nam chia thành hai nền kinh tế nhỏ: Nền kinh tế nội địa với đầy đủ các cấu phần, trong đó có cả doanh nghiệp FDI và nền kinh tế xuất khẩu.

Tức là các doanh nghiệp đến đây chỉ để tận dụng lợi thế về đất đai, nhà cửa, năng lượng, lao động và cơ sở hạ tầng, đường cao tốc, cảng biển. Nhóm các doanh nghiệp này có đặc điểm là đầu vào nhập khẩu và đầu ra xuất khẩu, lực lượng quản lý cũng là người nước họ chỉ duy nhất đặt nhà máy ở Việt Nam.

"Sự gắn kết giữa nhóm doanh nghiệp FDI này với quốc gia bản địa là không có, nếu các yếu tố ban đầu kém đi, nhóm doanh nghiệp này lập tức chuyển dịch sang một quốc gia khác", chuyên gia phân tích.

Vì vậy, để hạn chế tình trạng nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào nhóm này thì cần giảm bớt tỷ trọng của nhóm doanh nghiệp chỉ "chạy qua" lãnh thổ của nước ta và gia tăng tính kết nối với nhóm công nghệ cao, đầu tư lớn và cam kết đầu tư lâu dài. 

Cần tăng cường hơn nữa việc kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, để doanh nghiệp Việt đủ tầm kết nối được với doanh nghiệp FDI thì cần có môi trường để doanh nghiệp lớn lên vì chủ yếu vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn số doanh nghiệp lớn rất ít ỏi.

Chỉ khi doanh nghiệp đủ lớn, đủ năng lực mới tham gia sâu hơn vào chuỗi xuất nhập khẩu của khu vực FDI. "Bán hàng cho người đang ở trong nhà mình mà còn không bán được thì rất là khó để bán được ra thị trường thế giới", ông Hùng ví von.  

Một vấn đề khác là việc doanh nghiệp FDI đang cạnh tranh về nguồn lực với các doanh nghiệp trong nước khi họ vào quá nhiều sẽ chèn lấn lên doanh nghiệp trong nước trong quá trình tiếp cận đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực.

"Vì vậy, phải cân nhắc, lực chọn dự án làm sao để tránh nhóm doanh nghiệp FDI chỉ mượn đất, mượn người, mượn điện của chúng ta để xuất khẩu", chuyên gia ADB nhận định.

 

Hạ An

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.