|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Muốn duy trì đà tăng trưởng của vốn FDI, Việt Nam cần giữ chính sách tiền tệ ổn định'

17:00 | 11/07/2024
Chia sẻ
Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam khuyến nghị NHNN cần duy trì một chính sách tiền tệ ổn định, linh hoạt và cân bằng giữa hỗ trợ phục hồi kinh tế, kiềm chế lạm phát. Khi kiểm soát tốt các yếu tố này sẽ làm tăng sự tin tưởng của các nhà đầu tư về việc có nên tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Trong thông cáo phát đi ngày 11/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Cả vốn đầu tư mới cũng như điều chỉnh vốn đều tăng so với cùng kỳ với các mức tăng tương ứng 46,9% và 35%.

Đáng chú ý, vốn thực hiện ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Sự gia tăng cả dòng vốn FDI đăng ký và thực hiện sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong nước.

Về triển vọng, Bộ KH&ĐT cho biết, kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo sẽ phục hồi yếu và sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức lớn do những diễn biến phức tạp sau thời kì dịch COVID-19, bất ổn địa chính trị và cạnh tranh giữa các nước lớn tiếp tục tạo ra những thay đổi và tác động đến nền kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn.

Các tiêu chuẩn mới và thậm chí là các biện pháp can thiệp của một số chính phủ để định hướng hoạt động đầu tư, có thể ảnh hưởng đến xu hướng dịch chuyển FDI. Dòng vốn FDI tăng chậm và ngày càng tập trung giữa các quốc gia có liên kết địa chính trị, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược.

Dù vậy, theo đánh giá hiện tại của nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước, triển vọng thu hút vốn FDI năm nay của Việt Nam sẽ giữ nhịp độ tích cực nhờ 3 yếu tố cốt lõi.

Thứ nhất, Việt Nam có triển vọng đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp tiên phong. Ngành công nghệ đang trải qua rất nhiều đổi mới và số hóa. Tương tự, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang thu hút sự quan tâm, với sự tập trung ngày càng tăng vào các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và năng lượng gió để tăng cường bền vững nguồn cung cấp điện cho Việt Nam.

Thứ hai, niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam tiếp tục được củng cố, các nhà đầu tư hiện hữu đều tin tưởng vào các chính sách của Chính phủ và tương lai phát triển của kinh tế Việt Nam, đồng thời nhiều nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng và dư địa trong trung và dài hạn.

Cuối cùng, vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng điện, điện tử ngày càng được củng cố, nên có xu hướng nhiều tập đoàn sản xuất các sản phẩm điện tử đang đến với Việt Nam.

Do đó, Bộ KH&ĐT cho rằng Việt Nam phải tích cực khắc phục một số điểm nghẽn hiện nay như khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề, đặc biệt trong lĩnh vực điển tử bán dẫn; khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại một số địa phương tập trung nhiều dự án công nghiệp điện tử; rà soát các thủ tục để đơn giản hóa hơn và rút ngắn thời gian xử lý, nhất là các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như giấy phép xây dựng, giấy phép phòng cháy, chữa cháy…

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời để thời gian tới, các cấp, các ngành tập trung các giải pháp quyết liệt để giải quyết những điểm nghẽn này. Theo đó, sẽ có những tác động tích cực đến kết quả thu hút đầu tư nước ngoài 6 tháng cuối năm 2024, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, đạt mức tương đương hoặc cao hơn so với năm 2023”, Bộ KH&ĐT nêu rõ.

Cần duy trì một chính sách tiền tệ ổn định

Đồng tình với dự báo này, bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới nhờ môi trường đầu tư thuận lợi trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và khi việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 trở nên rõ ràng hơn. 

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam. (Nguồn: Standard Chartered).

Dù khẳng định Việt Nam đang trở thành điểm đến quan trọng trong lĩnh vực công nghệ và không có lý do gì khiến cho điều này có thể thay đổi được cả, song bà Michele Wee cũng lưu ý, thời gian tới Việt Nam sẽ không chỉ là một nhà sản xuất chi phí thấp nữa mà sẽ bắt đầu mở rộng khả năng để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao.

Để thực hiện được chuyển đổi này và đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có mức thu nhập trên mức trung bình và hơn thế nữa, điều quan trọng là lực lượng lao động ở Việt Nam phải có được những kiến thức cần thiết để hoạt động trong các ngành hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Việc đổi mới sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn vì các cơ hội từ những ngành sản xuất đang dần ít đi và không còn đủ để có thể tiếp tục nâng cao thu nhập của lực lượng lao động ở Việt Nam nữa. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng sẽ cân nhắc về thời điểm phù hợp nhằm khuyến khích dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chững lại và sự bất ổn về địa chính trị kéo dài.

Do đó, bà Michele Wee khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần duy trì một chính sách tiền tệ ổn định, linh hoạt và cân bằng giữa hỗ trợ phục hồi kinh tế, kiềm chế lạm phát và sự mất giá của tiền tệ là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Khi kiểm soát tốt các yếu tố này sẽ làm tăng sự tin tưởng của các nhà đầu tư về việc có nên tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

"Quan trọng nhất là sự ổn định về chính trị và các chính sách vì đây là một yếu tố then chốt đối với quyết định các nhà đầu tư trên toàn cầu khi đầu tư tại một quốc gia khác",  bà Michele Wee nhấn mạnh. 

Ngọc Bảo