|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp ngoại tăng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam

06:37 | 09/08/2024
Chia sẻ
Các nhà sản xuất nước ngoài, nhất là Trung Quốc, tăng tuyển dụng nhân sự để mở rộng, chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam.

Sáu tháng đầu năm, hãng tuyển dụng và tính lương Adecco tiếp nhận nhu cầu tuyển nhân sự sản xuất và chế tạo tăng 10% so với nửa đầu 2023. Các vị trí gồm chuyên gia, quản lý cấp cao về chất lượng, cung ứng. Yêu cầu chung của các "đơn hàng" tuyển dụng là nhân sự cần biết tiếng Trung.

"Trong giai đoạn Việt Nam thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, nhu cầu tuyển lao động thông thạo tiếng Anh và các ngôn ngữ khác, đặc biệt tiếng Trung, để tăng kết nối với đối tác quốc tế ngày càng tăng", theo Adecco.

Tương tự, nhà tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp Navigos Search cho biết các doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển và mở rộng hoạt động sang Việt Nam. Họ đòi hỏi nguồn lao động đa dạng, ưu tiên lớn nhân sự có kinh nghiệm (khoảng 68,3%) và kỹ năng quản lý (gần 22%).

Xét về ngành, họ đang chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ôtô. Đặc biệt, nhu cầu nhân sự biết tiếng Trung khiến thị trường lao động ngôn ngữ này sôi động.

"Nhu cầu tuyển dụng ứng viên nói tiếng Trung tăng cao tại các doanh nghiệp dẫn tới nguồn cung ứng bị hạn chế", bà Trần Thị Hoàn, Phó giám đốc Navigos Search khu vực miền Bắc nói.

Nhu cầu tuyển lao động ngành sản xuất tăng lên trong thời gian gần đây, theo các hãng nhân sự, cho thấy sự rõ nét của làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam của các doanh nghiệp ngoại. Trong số này, các công ty Trung Quốc dịch chuyển theo xu hướng "Trung Quốc+1", tức là đa dạng hóa thêm nơi sản xuất bên ngoài nước này.

Trong 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, 7 tháng đầu năm, vốn từ nền kinh tế thứ hai thế giới trong top đầu. Theo đó, vốn ngoại từ Hong Kong là 1,31 tỷ USD và Trung Quốc đại lục 1,22 tỷ USD. Hai nhà đầu tư này chiếm 23,4% tổng vốn FDI cấp mới.

Một dây chuyền sản xuất ở nhà máy điện tử thuộc Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: Lê Tuyết

Ngoài Trung Quốc, xu hướng các tập đoàn toàn cầu chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất bổ sung cũng rõ nét. Tổng cục Thống kê cho hay vốn FDI 7 tháng qua (mới và tăng thêm) trên 18 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ 2023. Vốn thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, mức cao nhất 7 tháng kể từ 2020.

Các dự án mới, mở rộng chủ yếu tại các khu công nghiệp phía Bắc. Trong quý II, Bắc Ninh tiếp tục là điểm sáng nhờ nhiều dự án mới như nhà máy sản xuất bảng bo mạch 14,26 ha trị giá 383 triệu USD của Tập đoàn Foxconn ở khu công nghiệp Nam Sơn – Hạp Lĩnh. Hay nhà máy vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor tại khu công nghiệp Yên Phong II-C, với vốn tăng thêm hơn 1 tỷ USD.

Tại Hải Phòng, đầu tháng này, Tập đoàn KCN Việt Nam thực hiện giai đoạn 2 dự án kho xưởng xây sẵn tại khu công nghiệp DEEP C, sẽ bổ sung hơn 80.000 m2 kho xưởng hỗn hợp và nhà kho chất lượng cao. KCN Việt Nam tích cực đón cơ hội trong bối cảnh Hải Phòng là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về thu hút FDI nửa đầu 2024, với tỷ lệ các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo, logistics đạt hơn 93%.

Thậm chí, một số khu công nghiệp chưa được phê duyệt đã có khách hỏi. Tại Đại hội cổ đông 2024, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) cho hay một nhà đầu tư Hàn Quốc muốn thuê 20 ha xây nhà máy sản xuất pin và một doanh nghiệp Trung Quốc muốn thuê 60 ha lập nhà máy sản xuất bếp từ, lò nướng, cùng tại khu công nghiệp Tràng Duệ 3 (Hải Phòng). Trong khi, Tràng Duệ 3 vẫn đang trong giai đoạn cuối cùng xin chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo Ngân hàng HSBC tại báo cáo "Vietnam at a glance tháng 7", Việt Nam có lợi thế của "một điểm đến FDI tốt, vượt trội hơn các nước Đông Nam Á khác" trong xu hướng dịch chuyển sản xuất. Điều này có được là nhờ những nền tảng thuận lợi về chi phí cạnh tranh, trình độ lao động.

Thực tế, 20 năm qua, Việt Nam vươn lên thành cứ điểm sản xuất lớn và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu tăng bình quân hơn 13% mỗi năm từ 2007, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Từ trước tới nay, các dòng vốn FDI chủ yếu đến từ Hàn Quốc, đáng chú ý nhất là của Samsung. Nỗ lực của những doanh nghiệp thâm nhập thị trường sớm này đã khuyến khích các tập đoàn công nghệ lớn khác đầu tư vào Việt Nam. Năm ngoái, riêng các nhà sản xuất Trung Quốc đã rót gần 20% tổng vốn FDI đăng ký mới.

Trong xu hướng "Trung Quốc +1", chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ là yếu tố thu hút hàng đầu của Việt Nam. So sánh chi phí lao động ở châu Á, mức lương nhân công sản xuất tại đây thấp hơn Trung Quốc và các quốc gia khác. Trong khi, theo kết quả khảo sát PISA, trình độ giáo dục phổ thông của người Việt được đánh giá cao. PISA là chương trình đánh giá học sinh quốc tế khảo sát kiến thức và kỹ năng của học sinh 15 tuổi.

Một khu nhà xưởng xây sẵn tại khu công nghiệp DEEP C - Hải Phòng. Ảnh: KCN Việt Nam

Các chi phí khác như giá năng lượng, cũng cạnh tranh. Việt Nam có giá điện cho sản xuất kinh doanh thấp thứ hai Đông Nam Á. Dầu diesel, vốn được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, tương đối rẻ. Ngoài ra, tính đến tháng 5, Việt Nam đã ký, thực thi và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (FTA).

Nguyên nhân khác giúp Việt Nam thành điểm đến chuyển dịch sản xuất, theo HSBC, nhờ hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ thông qua hệ thống thuế. Việt Nam có vị thế cạnh tranh nhờ mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20%. Chưa kể, Chính phủ đưa ra nhiều chính sách miễn, giãn hay giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp.

"Thực tế, mức độ tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu đã tăng mạnh qua các năm, hiện tại có thể sánh với Singapore", báo cáo HSBC nêu.

Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu vẫn là trung tâm nhập khẩu đầu vào cho khâu lắp ráp hoàn thiện. Vì thế, để duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, HSBC khuyến nghị Việt Nam cần vươn lên trong chuỗi sản xuất và nâng phần giá trị cộng thêm nội địa.

Cùng với đó, một số thách thức trong thu hút vốn ngoại có thể kể đến như thiếu hụt nhân công có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Điều này dẫn đến những khó khăn trong phát triển năng lực sản xuất các ngành công nghệ cao như bán dẫn, logistics và vận tải hàng hải.

Chưa kể, chất lượng cơ sở hạ tầng, năng lực số hóa để quy trình thương mại được thông suốt và đảm bảo năng lượng ổn định... cũng ảnh hưởng đến những quyết định đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia những năm tới, theo HSBC.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Viễn Thông

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.