|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Bùi Quang Tuấn: Nền kinh tế hiện nay còn dựa nhiều vào vốn hơn cả giai đoạn trước

16:57 | 07/08/2024
Chia sẻ
Theo chuyên gia Bùi Quang Tuấn, mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn dựa vào vốn và lao động giá rẻ. Trong khi đó, yếu tố được định hướng sẽ đóng góp chính vào tăng trưởng là năng suất lao động, công nghệ, TFP lại giảm đi.

Bàn về câu chuyện tăng trưởng tại Diễn đàn Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp tổ chức chiều 7/8, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay nhìn vào những động lực đóng góp cho tăng trưởng GDP có thể thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn phát triển theo chiều rộng.

 

Theo ông Tuấn, có 4 yếu tố chính đóng góp vào tăng trưởng GDP đó là: Tăng trưởng nhờ vốn, nhờ vốn con người, nhờ lao động và đóng góp từnăng suất nhân tố tổng hợp (TFP).

Nền kinh tế vẫn phát triển theo chiều rộng

Phân tích về xu hướng của các yếu tố này, chuyên gia phân tích, hiện nay đóng góp vào tăng trưởng của yếu tố vốn và vốn con người có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, yếu tố được định hướng sẽ đóng góp chính vào tăng trưởng là TFP lại giảm đi.

Bên cạnh đó, cùng với quá trình già hoá dân số, đóng góp của lao động vào tăng trưởng GDP có xu hướng giảm theo thời gian. Việc tăng trưởng dựa nhiều vào vốn cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phát triển theo chiều rộng chứ không phải theo chiều sâu.

"Đến thời điểm hiện tại, đầu tư vẫn là nhân tố chủ yếu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng được thúc đẩy bởi vốn con người hơn là tích lũy yếu tố đầu vào lao động", TS. Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh. 

 

 Các động lực đóng góp vàp tăng trưởng kinh tế. (Nguồn: PGS. TS. Bùi Quang Tuấn).

 

Ông cũng nhấn mạnh, mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn một phần dựa vào lao động giá rẻ, tồn tại nền kinh tế nhị nguyên, có sự cách biệt giữa khối FDI và doanh nghiệp trong nước, lan tỏa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế, nhất là năng lực công nghệ. Đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng còn ít. Chưa cải thiện nhiều về năng suất lao động 2016-2020 tăng bình quân 5,8%/năm, 2011 - 2015 tăng 4,3%, vẫn chậm…

Ngoài ra, mô hình tăng trưởng chưa xanh, chưa đóng góp nhiều cho phát triển bền vững, ví dụ năng lượng tái tạo, ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính…. Tăng trưởng xanh hầu như chưa thực hiện được bao nhiêu. Kinh tế tuần hoàn còn mới manh nha, chưa phát triển. Kinh tế biển xanh còn đang ở dạng tiềm năng là chính…

PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam 

PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng có nhiều cơ hội. Đó là xu hướng công nghệ mới (CM4.0), xanh và số trở thành khách quan; phong trào đổi mới sáng tạo; phong trào khởi nghiệp; cơ cấu dân số trẻ, tiếp cận công nghệ tốt; sản xuất, phân phối, tiêu dùng thông minh hơn…

Để đổi mới mô hình tăng trưởng, ông Tuấn đề xuất một loạt giải pháp như đột phá ở khâu khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng và gắn kết với đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra năng suất lao động cao hơn, đi nhanh, đi thông minh. Tìm cách tiếp cận hệ sinh thái xanh, hệ sinh thái số, đổi mới sáng tạo.

Diễn đàn Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. (Ảnh: Hạ An).

TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng cho rằng trong quá trình chuyển đổi Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Đó là năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất còn hạn chế. Bên cạnh đó, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.

Các thủ tục hành chính còn phức tạp, thiếu minh bạch, hệ thống giao thông, logistics còn hạn chế ở nhiều nơi, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền. Phát triển công nghiệp nhanh dẫn đến ô nhiễm gia tăng. Lực lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế hiện đại; cần cải cách giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng.

Ông đánh giá, hiện trạng cơ cấu sản xuất, dịch vụ tại Việt Nam hiện nay gồm dịch vụ chiếm 43,65%; công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22%; nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm 11,66%.

Xu hướng chuyển đổi hiện nay là tăng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng từ 32,1% (2010) lên 38,1% (2023), dự kiến đạt 40% vào năm 2030. Dịch vụ duy trì vai trò chủ đạo chiếm khoảng 50% GDP trong suốt giai đoạn, dự kiến tiếp tục ổn định ở mức  50% đến năm 2030.

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng từ 13% (2010) lên 25% (2023), mục tiêu đạt trên 30% vào năm 2030. Kinh tế số chiếm khoảng 14,3% GDP (2023), mục tiêu đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, mục tiêu đóng góp ngày càng quan trọng vào GDP đến năm 2030.

 

Hạ An

Bức tranh kinh tế Hà Nội 8 tháng đầu năm: IIP tăng 5,4%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 40 tỷ USD
Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê TP Hà Nội, nền kinh tế thủ đô đã có những bước tiến đáng kể trong 8 tháng đầu năm nay. Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp ghi nhận tăng 0,1% so với tháng trước và 5,4% cùng kỳ, thu hút FDI vượt 71% so với năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 40 tỷ USD...