Xuất khẩu trên đà tăng trưởng, kỳ vọng đạt trên 380 tỷ USD năm nay
Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 36 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng tháng có kết quả xuất khẩu cao nhất kể từ đầu năm 2023 tới nay. Lũy kế, tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt gần 227 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn hàng có nhiều khởi sắc
Trong những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng cơ hội xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục thuận lợi và đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Hoạt động trong lĩnh vực dệt may, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, nhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu và Nga, nhiều đơn hàng đã trở lại ngay trong nửa đầu năm 2024. Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã có nhiều đơn đặt hàng đến thế tháng 10.
“Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng cả năm sẽ đạt 8%. Hiện, doanh nghiệp liên tục tập trung tuyển dụng lao động không giới hạn số lượng để đáp ứng các đơn hàng”, ông Trịnh kỳ vọng.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) ngành dệt may Việt Nam đang có sự khởi sắc là do hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên. Lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua Vitas để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng.
"Đến nay, đơn hàng bắt đầu ổn định, có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 10 và 11/2024. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn về cuối năm với mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD", ông Giang thông tin.
Tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp Hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt trên 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 35%, tiếp đến là Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc hiện chiếm 9% tỷ trọng và kim ngạch ngày một lớn, đây cũng là thị trường giúp ngành da giày có dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024.
“Với tín hiệu tích cực này, dự kiến ngành sẽ đạt 26 - 27 tỷ USD trong năm 2024”, bà Xuân nhìn nhận.
Có thể lập kỷ lục xuất khẩu mới
Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến hết tháng 6, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 24,74 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Có 6 thị trường và nhóm thị trường xuất khẩu có kim ngạch tăng từ 1 tỷ USD trở lên gồm: Mỹ tăng 10,7 tỷ USD; EU tăng 3,3 tỷ USD; Trung Quốc tăng 1,6 tỷ USD; ASEAN tăng 2 tỷ USD; Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 1,8 tỷ USD; và Hàn Quốc tăng 1,1 tỷ USD.
Nếu duy trì được kết quả đạt được này trong 6 tháng cuối năm, quy mô kim ngạch xuất khẩu cả nước có thể lập được kỷ lục mới là 380 tỷ USD, thậm chí vượt con số này.
"Thông thường xuất khẩu 6 tháng cuối năm thường cao hơn hoặc ít ra cũng tương đương kim ngạch của nửa đầu năm. Đơn cử như 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 164,68 tỷ USD, thấp hơn 25,32 tỷ USD so với 6 tháng cuối năm. Hay trong năm 2022 khi nước ta đạt kim ngạch xuất khẩu kỳ lục 371,3 tỷ USD, kim ngạch 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm khá cân bằng", Tông cục Hải quan lý giải.
Còn ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, nhu cầu thị trường Mỹ bắt đầu tăng trở lại nhờ các sản phẩm trong kho đã sử dụng hết; việc “tích trữ” đề phòng những biến động có thể xảy ra trong giai đoạn hậu bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2025; và nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm của Việt Nam khi mùa đông và mùa mua sắm đang trở lại.
Các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu truyền thống của Việt Nam với mẫu mã cải tiến và giá thành cạnh tranh sẽ tiếp tục đóng góp vào đà tăng trưởng như dệt may, da giày, đồ gỗ và nội thất, điện tử, máy móc thiết bị, ... với thị trường hơn 300 triệu người tiêu dùng tại Mỹ.
“Dự báo xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, với kỳ vọng sẽ tiếp tục năm thứ 3 liên tiếp tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mốc trên 100 tỷ USD trong cả năm 2024, và vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm”, ông Hưng nêu rõ.
Tuy vậy, ông Trương Văn Cẩm cho biết, các sản phẩm dệt may đang xuất khẩu sang 113 nước với thị trường chính là Mỹ, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản. Để thúc đẩy xuất khẩu, ngành dệt may đang thực hiện mục tiêu đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tuy vậy, những quy định khắt khe từ các thị trường như xanh hóa bảo vệ môi trường và Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức từ Mỹ; Đạo luật tra soát chuỗi cung ứng của Đức; và gần đây là Luật chuỗi cung ứng mới của EU đã và đang là rào cản của doanh nghiệp Việt Nam.
"Các Thương vụ Việt Nam tại các nước có thể cung cấp thêm thông tin quy định này để các doanh nghiệp tránh bị thiệt hại khi ký hợp đồng mua nguyên liệu", ông Cẩm đề nghị.
Trước yêu cầu đặt ra, ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, dù bối cảnh quốc tế và trong nước có những yếu tố thuận lợi nhưng phát triển sản xuất và thương mại những tháng cuối năm cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh;...
Các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tuân thủ cao, đặc biệt với các quy định, tiêu chuẩn mới.
"Các thương vụ cập nhật thông tin thị trường mới, những cơ hội xuất khẩu phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam, cùng các khuyến nghị hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại đối với sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo", ông Long nêu rõ.