|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp lập đỉnh lợi nhuận trong quý II

16:56 | 02/08/2024
Chia sẻ
Trong quý II, nhiều doanh nghiệp báo lãi cao kỷ lục khi hoạt động kinh doanh cốt lõi được cải thiện hoặc cũng có nhiều đơn vị lãi lớn đến từ khoản thu nhập khác như thanh lý, bán tài sản.

Theo thống kê của Wichart, tính đến ngày 2/8, có 1.002 công ty đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2024, trong đó có 158 doanh nghiệp báo lãi ròng tăng trưởng trên 100%.

Một số đơn vị lớn ghi nhận mức lãi quý cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động như ACV (Mã: ACV), FPT (Mã: FPT), Gelex (Mã: GEX), Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC), Vosco (Mã: VOS),  Nhựa Tiền Phong (Mã: NTP), Dịch vụ Hàng hoá Sài Gòn (Mã: SCS)…

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ các doanh nghiệp. (Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC).

Nhiều doanh nghiệp lãi lớn từ hoạt động kinh doanh khởi sắc

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) ghi nhận 3.225 tỷ đồng lãi ròng trong quý II, tăng 24% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.

ACV cho rằng, thị trường hàng không quốc tế hồi phục là động lực chính giúp lợi nhuận của công ty được cải thiện. Thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng hành khách thông qua cảng hàng không, sân bay đạt hơn 54 triệu khách. Trong đó, hành khách quốc tế đạt hơn 20 triệu khách, tăng 38% so với cùng kỳ.

Tập đoàn FPT (Mã: FPT) tiếp tục phá kỷ lục lợi nhuận trong quý này. Cụ thể, công ty báo lãi ròng 1.874 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ, trong đó, mảng công nghệ vẫn là trụ cột chính của FPT.

Một doanh nghiệp cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng Tổng Công ty Khoáng sản TKV - CTCP (Vimico - Mã: KSV). Công ty báo lãi ròng 494 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 25 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lãi kỷ lục của công ty trong một quý.

Theo Vimico, lợi nhuận công ty được cải thiện đáng kể là do giá bán bình quân các sản phẩm chính như đồng tấm, vàng, bạc.. tăng mạnh.

CTCP Chế tạo Biến thế và Vật liệu điện Hà Nội (Mã: BTH) là một doanh nghiệp ít tên tuổi trên UPCoM nhưng lại bất ngờ ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến trong quý II dù các quý trước lợi nhuận chỉ vài trăm triệu đồng hoặc thua lỗ.

Quý này, BTH lãi ròng 399 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 126 tỷ đồng) nhờ hoàn thành việc thi công khối cao tầng, thấp tầng và hạ tầng cảnh quan dự án khu hỗn hợp dịch vụ nhà ở, nhà trẻ và cây xanh tại địa chỉ trụ sở công ty số 55 đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội và đã bàn giao 261 căn hộ của dự án.

Trong quý II, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong - Mã: NTP) cũng báo lãi sau thuế 238 tỷ đồng, tăng 86% so với quý II/2023 nhờ doanh thu được cải thiện. Đây cũng là mức lãi quý cao nhất của công ty kể từ khi niêm yết.

Lãi lớn nhờ bán tài sản 

Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) lãi ròng đột biến trong quý II với 849 tỷ đồng  tăng 164% so với cùng kỳ nhờ ghi nhận khoản lãi từ bán các khoản đầu tư gần 996 tỷ đồng sau khi Gelex hoàn tất chuyển nhượng 3/4 dự án năng lượng tái tạo cho đối tác Sembcorp.

Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) lãi ròng kỷ lục 682 tỷ quý II trong khi cùng kỳ lỗ 268 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh nghiệp phát sinh khoản thu nhập khác 527 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ gần 7 tỷ đồng nhờ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.

CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco - Mã: VOS) lãi ròng 284 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 1 tỷ đồng nhờ bán tàu dầu sản phẩm Đại Minh. Đây là tàu trọng tải 47.148 DWT đóng năm 2004, do tuổi cao nên khó có thể khai thác hiệu quả do đặc thù của tàu dầu sản phẩm.

Kỳ này, CTCP Cao su Sao Vàng (Mã: SRC) báo lãi sau thuế gần 114 tỷ đồng, gấp 19 lần so với cùng kỳ. Đây là mức lãi quý cao nhất của công ty kể từ khi niêm yết.

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của công ty tăng đột biến nhờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác lên tới 162 tỷ đồng do chuyển nhượng quyền thuê lại đất với cơ sở hạ tầng và tài sản gắn liền với đất. 

Lâm Anh

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 07/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9.