|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Công nghệ nuôi trồng, chế biến nông lâm thủy sản: Mấu chốt tăng cạnh tranh hàng xuất khẩu

16:47 | 14/11/2019
Chia sẻ
Có mặt ở trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, tuy nhiên, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức về nguyên liệu, năng lực cạnh tranh...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 10/2019 ước đạt 3,6 tỉ USD, tăng gần 17% so với kim ngạch xuất khẩu tháng 9.

Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 1,4 tỉ USD, lâm sản chính đạt gần 1,05 tỉ USD, thủy sản đạt 834 triệu USD và chăn nuôi đạt 55 triệu USD.

Lũy kế 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt 33,18 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kì năm 2018 với 6 nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỉ USD. 

Trong đó, nhiều sản phẩm đã xuất hiện rộng rãi tại nhiều thị trường quốc tế như đối với các sản phẩm trồng trọt, hầu hết các sản phẩm khô, đã qua chế biến có thể xuất khẩu đi tất cả thị trường. 

Riêng đối với quả tươi một số thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc... đòi hỏi phải được phân tích nguy cơ dịch hại và cấp phép nhập khẩu từng loại quả cũng đã mở cửa đối với một số rau quả Việt Nam.

Về sản phẩm chăn nuôi, hiện đã xuất khẩu thịt gà chế biến đi Nhật Bản, xuất khẩu heo sữa vào Malaysia, Hong Kong; xuất khẩu mật ong đi Liên minh châu Âu (EU), Mỹ. 

Đặc biệt Việt Nam vừa xuất lô sữa đầu tiên đi Trung Quốc trong tháng 10/2019, hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hong Kong để xuất khẩu thịt heo mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang Hong Kong.

Đối với thủy sản, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khó tính, như: EU, Mỹ, Hàn Quốc… Riêng Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến được từ Việt Nam.

Về lâm sản, các thị trường lớn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…, giá trị xuất khẩu lâm sản và lâm sản ngoài gỗ tăng theo hàng năm.

Tại Hội chợ - Triển lãm Công nghệ nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản TP HCM lần 2 năm 2019 và Hội chợ Hàng Khuyến mại quận Tân Bình năm 2019 diễn ra từ ngày 13-17/11, ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN TP HCM cho rằng Việt Nam là nước có rất nhiều tiềm năng và đang nằm trong top đầu của một số ngành xuất khẩu nông sản có giá trị.

Bởi sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có mặt ở thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với nhiều sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của một số thị trường khó tính.

Tuy nhiên, công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam vẫn còn những điểm yếu. Tổn thất sau thu hoạch vẫn còn ở mức cao, từ 12 - 15% đối với hạt, từ 25 - 30% đối với rau củ quả và các sản phẩm chăn nuôi còn cao hơn. 

Do đó, giảm tổn thất sau thu hoạch là một trong những vấn đề mấu chốt trong ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng.

f71689ec9040761e2f51

Hiện, nông lâm thủy sản Việt Nam có mặt ở trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.... Ảnh: NH.

0ce592988634606a3925

Doanh nghiệp thường tìm hiểu nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng thông qua các hội chợ, triển lãm. Ảnh: NH.

Thực tế, với mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đến năm 2030 đạt 65 - 70 tỉ USD, bằng khoảng 200% so với hiện nay, nhiều chuyên gia cũng cho rằng không cách nào khác phải có sự liên kết và chế biến sâu để góp phần tăng nhanh giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu, làm cơ sở thúc đẩy sản xuất nông lâm thủy sản phát triển.

Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam gặp nhiều khó khăn thách thức khi Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, đe dọa sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu phục vụ chế biến, qui mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa thật sự hình thành một nền nông nghiệp lớn.

viber_image_2019-11-14_17-24-52

Đồ họa: PuKgy.

Nguyên liệu phục vụ chế biến thiếu ổn định về chất lượng và an toàn thực phẩm nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam thấp, trong khi các nguồn lực như vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị và hội nhập còn rất kém, hạn chế đến quá trình đầu tư chuyển đổi cơ cấu sản phẩm.

Ngoài ra, thị trường thế giới nhiều biến động, trong khi nông lâm thủy sản Việt Nam còn phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số thị trường.

d7d3145400f8e6a6bfe9

Sản phẩm được chế biến, đóng gói phù hợp sẽ bắt mắt và mang lại giá trị cao hơn so với xuất khẩu thô. Ảnh: NH.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T cho rằng hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu chủ yếu là xuất khẩu nông sản thô, chưa qua chế biến.

Mặc dù doanh nghiệp xuất khẩu nắm rõ được các thông tin về tiêu chuẩn nông sản của từng thị trường nhập khẩu riêng biệt nhưng do thiếu sự phối hợp đồng bộ với người nông dân với nguồn cung. 

Ngoài ra, những chính sách của nhà nước tạo điều kiện cho nông dân, cho các doanh nghiệp còn hạn chế, nên sản phẩm nông sản sau khi thu mua từ nông dân thường không đạt chuẩn tiêu chuẩn về chất lượng cũng như qui cách sản phẩm để xuất khẩu ra thị trường Mỹ, EU...

Do đó, nếu doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có một sự hiểu biết sâu rộng về các thị trường phát triển nhập khẩu nông sản tiềm năng thì không những tạo cơ hội cho chính doanh nghiệp có chiến lược tiếp cận thị trường đó phù hợp mà còn định hướng cho nông dân, người trồng về các tiêu chuẩn nông sản đủ điều kiện để xuất khẩu.

Trong khi đó, theo ông Trần Ngọc Hổ việc tham gia các hội chợ triển lãm cũng là một giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cũng như trao đổi công nghệ bảo quản sau thu hoạch, máy móc, thiết bị phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản…

Từ đó giúp doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm và chú trọng hơn việc đầu tư qui trình sản xuất, chế biến.

IMG_1573632771472_1573632795740

Chất lượng sản phẩm cũng là yếu tố cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Ảnh: NH.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung nghiên cứu nhu cầu, qui định của thị trường nhập khẩu để hướng dẫn, phối hợp với người nông dân tạo sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi thị trường khó tính.

Cũng như doanh nghiệp phải tìm hiểu tâm lí tiêu dùng mục tiêu, đầu tư kĩ thuật để có thể thiết kế, chế biến và đóng gói sản phẩm phù hợp, gia tăng thêm giá trị cho sản phẩm và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm, tăng thêm lợi nhuận xuất khẩu cho chính mình.

Như Huỳnh