|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

300 xe nông sản ùn tắc tại Tân Thanh sẽ được thông quan trong hai ngày tới

17:58 | 25/10/2019
Chia sẻ
Sau nhiều ngày ùn tắc hàng trăm xe chở nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh, việc thông quan đã được tháo gỡ khó khăn bằng các giải pháp như tăng thời gian kiểm tra, thực hiện kiểm tra tại bãi thay vì tại cổng, ưu tiên hàng hoá dễ hỏng thông quan luồng xanh trước...

Theo báo Chính phủ, ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, cho biết tính đến 21h00 ngày 24/10, tại cửa khẩu Tân Thanh còn ùn khoảng 300 xe hàng. Tình trạng ùn ứ xe chở hàng nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) sẽ chấm dứt trong hai ngày tới.

"Chúng tôi đã đàm phán với phía bạn về việc tăng thời gian kiểm tra lên từ 6h30 đến 21h30 hàng ngày để tăng lượng xe được thông quan. Đồng thời, hai bên cũng thống nhất sẽ không thực hiện kiểm soát ngoài cổng số 1 nữa mà đưa vào bãi bên trong mới thực hiện kiểm tra. 

Việc này giảm bớt tình trạng ùn tắc tại cổng rất nhiều vì bãi bên trong rất lớn, sức chứa đến khoảng 1.200 xe hàng", ông Nguyễn Quốc Hải cho biết.

Trước đó, ngày 23/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có cuộc trao đổi với Phó Bí thư tỉnh uỷ Vân Nam (Trung Quốc) Vương Dư Ba về khó khăn hiện nay trong xuất khẩu hàng hoá, nông sản từ Việt Nam tại các cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) và Tân Thanh (Lạng Sơn) và đề nghị Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba và lãnh đạo các tỉnh có chung biên giới với Việt Nam quan tâm tháo gỡ.

Theo đó, tình trạng ùn ứ hàng nông sản đã được hai bên thực hiện nhiều giải pháp như tăng thời gian kiểm tra, thực hiện kiểm tra tại bãi thay vì tại cổng, ưu tiên hàng hoá dễ hỏng thông quan luồng xanh trước...

Theo ông Hải, trên thực tế, đối với mặt hàng trái cây, Trung Quốc đã áp dụng các yêu cầu về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc từ rất lâu đối với các nước khi xuất khẩu vào thị trường này, trong đó có các nước ASEAN.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, do đặc thù về thương mại biên giới lâu đời với Trung Quốc nên việc áp dụng các qui định về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm với Việt Nam muộn hơn so với các nước ASEAN.

Cụ thể, tới năm 2018, phía Trung Quốc mới chính thức có thông báo đề nghị việc bắt buộc phải triển khai đóng gói, cung cấp các thông tin truy xuất nguồn gốc các loại hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo phụ lục hướng dẫn về tem nhãn truy xuất nguồn gốc của phía Trung Quốc, 8 loại trái cây đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, trên thùng sản phẩm chỉ phải ghi những thông tin gồm tên tổ chức xuất khẩu, chủng loại hoa quả, tên nhà vườn hoặc số đăng kí (tức mã số vùng trồng), tên xưởng đóng gói hoặc số đăng kí (tức mã số cơ sở đóng gói).

Tuy nhiên, dù những qui định mới của phía Trung Quốc đã được các ngành chức năng của Việt Nam phổ biến suốt từ năm 2018 đến nay, nhưng chưa được các doanh nghiệp xuất khẩu, các cơ sở thu mua lẫn nông dân thực sự chú ý, quan tâm thực hiện dẫn đến tình trạng hàng nhiều nhưng xuất khẩu gặp khó khăn.

Như Huỳnh