|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Được ưa chuộng nhờ chất lượng, mẫu mã cải thiện, thực phẩm Việt xuất khẩu vẫn vướng hàng rào phi thuế quan

12:34 | 14/11/2019
Chia sẻ
Khoảng 40% doanh nghiệp Việt đan gặp khó khăn bởi các rào cản phi thuế quan, tiêu chuẩn quốc tế...mặc dù các sản phẩm thực phẩm, nông sản Việt ngày càng chinh phục được nhiều thị trường xuất khẩu.

Rào cản phi thuế quan ngày càng dày đặc

Tại Hội nghị quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam tổ chức ngày 13/10 trong khuôn khổ triển lãm Foodexpo 2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng trong điều kiện ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương giữa Việt Nam và các quốc gia đối tác được kí kết và có hiệu lực.

Nhờ đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ngày càng có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng cường lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ từ các quốc gia khác.

Tuy nhiên, môi trường hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm, chủ động ứng phó và vượt qua các rào cản thưởng mại, đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ của thị trường quốc tế để phát triển xuất khẩu một cách bền vững.

88b8412d848062de3b91

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NH.

Ông Andreas Krey, Tổng giám đốc Văn phòng phát triển bàng Thuringia (Đức), cũng cho hay, các sản phẩm từ Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Đức ưa chuộng nhờ chất lượng, mẫu mã đã có nhiều cải thiện. 

Tuy nhiên, Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động tiếp thị để người tiêu dùng thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn.

Còn ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương cho biết theo đánh giá của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, từ năm 2008 đến nay, các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã dùng 20.000 biện pháp, gồm các biện pháp kĩ thuật, thuế quan, xuất xứ, chống trợ cấp, chống bán phá giá… Trong đó, hàng rào kĩ thuật là nhóm tương đối nổi bật.

Thông tin chính thức của WTO cũng cho thấy, từ năm 2016 đến năm 2018 đã có hơn 3.000 biện pháp TBT (hàng rào kĩ thuật trong thương mại), chưa kể các biện pháp khác như kiểm dịch động thực vật SPS hay biện pháp thuế quan.

Riêng với Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, các thị trường đối tác đã thông báo 350 biện pháp đối với lĩnh vực thực phẩm.

"Khó khăn hiện nay là việc gia tăng các biện pháp phi thuế quan, đặc biệt là hàng rào kĩ thuật đối với hàng nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, là một xu hướng nổi bật.

Điển hình như rau quả ở Nhật Bản, cá tra ở Mỹ, IUU (Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo qui định) ở EU, thương mại chính ngạch ở Trung Quốc và ở Australia là việc tăng cường quản lí, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm", ông Dương thông tin.

Ông Vianney Lesaffre, Đại diện dự án NTM của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), dẫn chứng ITC đang triển khai một dự án để xác định các khó khăn mà doanh nghiệp Việt gặp phải và từ đó có những tham vấn phù hợp. 

Dự án này có 2 bước, trước hết là nhận các phản hồi của doanh nghiệp, từ đó tham vấn và đưa ra các cảnh báo mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt.

Hiện dự án đang triển khai bước 1, và đã thu thập 1.638 ý kiến doanh nghiệp Việt Nam và đang phân tích, trong đó có tới 40% doanh nghiệp nông sản gặp vấn đề về các rào cản nhập khẩu, xuất khẩu. 

Các ghi nhận cũng cho thấy có tới 63% doanh nghiệp phản hồi là rào cản thủ tục đã ngăn cản dòng chảy xuất nhập khẩu.

58e0b24377ee91b0c8ff

Toàn cảnh Hội nghị quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam diễn ra ngày 13/10 tại TP HCM. Ảnh: NH.

Ứng phó rào cản một cách đồng bộ

Theo đại diện Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương, cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới thông tin về các hàng rào kĩ thuật của nước nhập khẩu. Bởi hiện những thông tin liên quan đến hàng rào kĩ thuật và cách ứng phó vẫn chưa được hiểu một cách thấu đáo.

"Ta có thể tiếp cận thông tin nhanh, nhưng hàm lượng chuyên môn, hàm lượng pháp lí của những thông tin này lại rất phức tạp. Do đó, cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cần có sự đồng hành, chia sẻ thông tin và kiến thức", ông Dương nói.

Ngoài ra, trong số các biện pháp kĩ thuật đang được áp dụng, có biện pháp do cơ quan Nhà nước của nước nhập khẩu qui định, nhưng cũng có biện pháp do phía doanh nghiệp đối tác nhập khẩu đặt ra. 

Với những chồng chéo và mâu thuẫn này, doanh nghiệp Việt trong ngành hàng nông sản thực phẩm cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan liên quan của các bộ ngành, các hiệp hội, kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt được những qui định, rào cản kỹ thuật của các nước, ông Hải lưu ý thêm.

_TDQ4391

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại triển lãm Foodexpo 2019. Ảnh: NH.

Trong khi đó, ông Andreas Krey cũng cho rằng cần thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam và Đức, đặc biệt là tạo ra những công ty liên doanh giữa hai nước để thúc đẩy ngành công nghiệp thực phẩm của hai nước cùng phát triển. 

Trong đó, phía Đức sẽ giúp Việt Nam cách thức để đáp ứng các rào cản kĩ thuật của Đức nói riêng cũng như EU nói chung.

Đồng thời, ông Vianney Lesaffre cho hay: "Đầu năm tới chúng tôi sẽ kết thúc bước 1 và chuyển sang bước 2 là đưa ra các tham vấn cũng như hệ thống cảnh báo cho các doanh nghiệp Việt Nam. 

Để được hỗ trợ, các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia các khóa huấn luyện về nâng cao đối phó với các rào cản phi thuế quan".

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến ứng phó tốt hơn, các chuyên gia của cho rằng cần đòi hỏi một tâm thế chủ động và có trách nhiệm.

"Trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm, chủ động ứng phó và vượt qua các rào cản thương mại, đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ của thị trường quốc tế để phát triển xuất khẩu một cách bền vững", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

3d8cb7f07d5d9b03c24c

Doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp sản phẩm và trao đổi thông tin với nhà cung cấp, sản xuất. Ảnh: NH.

Theo đó, ngay trong chiều 13/11, nhiều doanh nghiệp, nhà cung cấp nông sản, thực phẩm Việt Nam đã gặp gỡ và giao dịch trực tiếp với 20 nhà nhập khẩu và đối tác nước ngoài đến từ các thị trường Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đức,…; các tập đoàn thu mua, đại siêu thị hàng đầu trong và ngoài nước như: Amazon Global Selling, CJ, LOTTE, AEON, Central Group, MM Mega Market, Vinmart, Saigon Co.op,...về tiêu chuẩn thị trường, thiết kế và thương hiệu, thương mại điện tử…

Diễn ra từ ngày 13 - 16/11, Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm (Việt Nam Foodexpo 2019) qui tụ 600 gian hàng của 450 doanh nghiệp đến từ 29 tỉnh, thành trên cả nước và 23 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Triển lãm giới thiệu các mặt hàng thuộc nhiều lĩnh vực như rau quả (tươi, sấy khô, đóng hộp, đông lạnh), thủy sản (đông lạnh, đóng hộp và chế biến), đồ uống (trà và cà phê); nguyên liệu thực phẩm (gạo, các loại hạt, gia vị, phụ gia, nước sốt…), thực phẩm chế biến (bánh kẹo các loại, sữa và sản phẩm sữa), thực phẩm đóng hộp và chế biến, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chức năng; thiết bị công nghệ chế biến thực phẩm.

Như Huỳnh