|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Không ngừng đầu tư mẫu mã, tăng cường quảng bá để thương mại hóa nông sản đồng bằng

15:01 | 22/10/2019
Chia sẻ
Doanh nghiệp không nên chỉ dừng lại ở khâu kĩ thuật, chứng nhận, mà điều cần làm là giúp cho người tiêu dùng hiểu được nguồn gốc sản phẩm họ sử dụng, qui trình sản xuất chế biến nông sản...

Sản xuất nông sản của nông dân ĐBSCL còn hạn chế

Tại hội thảo Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng diễn ra chiều ngày 21/10 tại TP HCM, ông Steven Starmans, Giám đốc điều hành Công ty Kim Della Trading & Services Co., LTD, cho rằng một vấn đề ở vùng MeKong, trong đó có Việt Nam, đang hạn chế là đơn vị sản xuất làm ra sản phẩm rất tốt nhưng thiếu sự quảng bá và xây dựng thương hiệu hàng hóa.

"Người tiêu dùng đã chuyển đổi thói quen mua sắm, không còn so sánh giá giữa những sản phẩm với nhau mà quan tâm đến những vấn đề liên quan đến thương hiệu sản phẩm. 

Cụ thể, người tiêu dùng ngày càng ưu chuộng nông sản, đặc sản tự nhiên hoặc được sản xuất theo qui trình xanh, sạch", ông Steven Starmans nhận định.

a1e9d0536564833ada75

Toàn cảnh hội thảo Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng diễn ra chiều ngày 21/10 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Ông Seo Fumio, Phó Tổng giám đốc khối thu mua của Công ty TNHH AEON Việt Nam, cho rằng nông dân Việt Nam nói chung, và ĐBSCL nói riêng đa phần muốn phát triển về sản lượng nhưng lại không nghĩ quan trọng nhất là mặt chất lượng sản phẩm.

"Thay vì mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chỉ dựa vào cảm quan và kinh nghiệm để đánh giá, người tiêu dùng ưu tiên dành sự quan tâm đối với các sản phẩm có chỉ dẫn địa lí rõ ràng. 

Trong khi đó, nông dân Việt Nam đang muốn phát triển sản phẩm theo hướng hữu cơ, GlobalGAP, Việt GAP… nhưng đầu ra gặp khó do chưa tìm được đối tác tiêu thụ, nên khi mang ra chợ thì không bán được giá mong muốn.

Ngoài ra khi nông dân sản xuất ra những sản phẩm chất lượng tốt, nhưng quá trình vận chuyển lại có nhiều vấn đề phát sinh như thay đổi nhiệt độ xe chở hàng, khi cần xe chuyên dụng lạnh, lại dùng xe bình thường, hoặc đường đi không tốt nên xe va đập dẫn đến sản phẩm bị hư", ông Seo Fumio chia sẻ.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Công ty Sài Gòn Food, cho rằng việc khó nhất của doanh nghiệp khi đưa một sản phẩm mới ra thị trường phải nghiên cứu nhu cầu của người tiêu dùng. 

Đặc biệt, để sản phẩm sống được và phát triển thì doanh nghiệp phải chăm sóc và cải tiến không ngừng để làm sao người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng...

Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản

Ông Steven Starmans, Giám đốc điều hành Công ty Kim Della Trading & Services Co., LTD, vấn đề hiện nay trên thị trường toàn cầu là niềm tin của người tiêu dùng đối với đơn vị sản xuất. 

Do đó, doanh nghiệp không nên chỉ dừng lại ở khâu kĩ thuật, chứng nhận, mà điều cần làm là giúp cho người tiêu dùng hiểu được nguồn sản phẩm họ sử dụng, qui trình sản xuất chế biến...

"Đơn vị sản xuất cần sớm tiếp cận những phương thức quảng cáo, tiếp thị sản phẩm hiệu quả bằng câu chuyện bản địa với qui trình sản xuất. 

Song song đó, doanh nghiệp phải quan tâm đúng mức đến khâu khảo sát nghiên cứu thị trường tiêu dùng để giới thiệu ra những sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng", ông Steven Starmans chia sẻ.

71a24431f10617584e17

Ông Steven Starmans, Giám đốc điều hành Công ty Kim Della Trading & Services Co., LTD chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Như Huỳnh.

Ông Seo Fumio, Phó Tổng giám đốc khối thu mua của Công ty TNHH AEON Việt Nam cho biết, phương châm kinh doanh của hệ thống này là an toàn, tiếp theo là yếu tố tiện lợi. 

Riêng đối với lĩnh vực nông sản, đặc sản, nhất là rau củ, quả tươi thì AEON yêu cầu có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm như Organic, Global Gap, VietGap.

Bên cạnh đó, AEON ưu tiên những sản phẩm tiện lợi, dễ dàng chế biến và thiết yếu hàng ngày; đồng thời những mặt hàng nông sản sử dụng tươi sống không cần nấu chín.

Vì vậy, doanh nghiệp cần nỗ lực giới thiệu, quảng bá nông sản, đặc sản địa phương đến những thị trường khác nhau, đa dạng kênh phân phối và bán lẻ sẽ từng bước nhận được đơn hàng xuất khẩu.

Đồng quan điểm, bà Lâm cho biết hiện sản phẩm của doanh nghiệp tập trung phân phối vào kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi… do đặc thù chủng loại hàng hóa. 

Đối với dòng sản phẩm cháo tươi ăn liền, từ lúc tung sản phẩm ra thị trường đến nay Sài Gòn Food đã cải thiện bao bì sản phẩm đến lần thứ 3, bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh về giá thành.

Ngoài ra, Sài Gòn Food cũng đang nghiên cứu những dòng sản phẩm mới như bánh chưng được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, với việc đầu tư mẫu mã độc đáo để mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng.

Còn theo bà Nguyễn Thị Các Thủy, đại diện Công ty TNHH Tây Cát muốn cải thiện tính lỗi thời của sản phẩm truyền thống, đơn vị sản xuất cần ứng dụng công nghệ, tổ chức nghiên cứu từ nguyên liệu đầu vào nhằm nâng cao chất lượng và đầu tư thiết kế mẫu mã làm mới sản phẩm. 

Nếu doanh nghiệp không ngừng đổi mới sáng tạo thì dù đơn vị sản xuất nhỏ và vừa hay hợp tác xã, cơ sở sản xuất bản địa đều có thể nâng cao giá trị nông sản trong thương mại hóa sản phẩm.

Bởi theo bà Thủy cùng một sản phẩm nhưng nếu ứng dụng công nghệ và đầu tư mẫu mã thì doanh nghiệp sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Đặc biệt, việc chủ động phát triển sản phẩm mới sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới của thị trường thương mại tự do.

Như Huỳnh