|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành nông nghiệp sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, mở cửa thêm nhiều loại nông sản

14:28 | 15/10/2019
Chia sẻ
Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

9 tháng, ngành nông nghiệp tăng trưởng khá

Số liệu của Bộ NN&PTNT cho biết 9 tháng đầu năm 2019, mặc dù ngành nông nghiệp chịu tác động lớn bởi diễn biến bất thường của thời tiết, dịch tả heo châu Phi bùng phát và diễn biến phức tạp, khó khăn về thị trường xuất khẩu, nhất là việc thay đổi sang nhập khẩu chính ngạch của thị trường Trung Quốc... 

Tuy nhiên, toàn ngành vẫn duy trì tăng trưởng khá đạt 2,02%, trong đó thủy sản tăng cao hơn 6%, lâm nghiệp tăng gần 4%.

Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn về thị trưởng, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10 - 15%, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn đạt hơn 30 tỉ USD, tăng 2,7% so với với cùng kì năm 2018.

Trong đó, tính đến hết tháng 8/2019, giá trị xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 5,3 tỉ USD, Mỹ đạt 5,35 tỉ USD; nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc vào Việt Nam là 1,53 tỉ USD và Mỹ là hơn 2,5 tỉ USD.

Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu lâm sản chính đạt gần 8 tỉ USD, tăng 18%. 

Đặc biệt có 6 nhóm sản phẩm có giá trị xuất khầu trên 2 tỉ USD, gồm gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,5 tỉ USD, cà phê đạt hơn 2 tỉ USD, gạo gần 2,24 tỉ USD, hạt điều 2,4 tỉ USD, rau, quả 2,15 tỉ USD, tôm 2,4 tỉ USD. 

Thặng dư thương mại đạt 6,86 tỉ USD, cao hơn khoảng 1 tỉ USD so với cùng kì 2018.

Tháo gỡ khó khăn tại 5 thị trường trọng điểm

Trước tác động từ xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc tới ngành nông nghiệp, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc như định kì 3 tháng/lần tổ chức họp trao đổi, phối hợp với UBND các tỉnh biên giới, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để xử lí hoặc phản ánh đến các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc kịp thời tháo gỡ. 

Ngoài ra, tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản cho sản phẩm nông, thủy sản như xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang Trung Quốc vào tháng 10/2019, đẩy nhanh tiến trình đánh giá rủi ro để xuất sớm xuất khẩu tổ yến, sầu riêng, chanh leo, khoai Lang, bơ, thạch đen, bưởi, dừa, na.

Đồng thời thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp xử lí vướng mắc về hoạt động xuất nhập khẩu nông thủy sản giữa Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và lãnh đạo các tỉnh biên giới cả hai phía Việt Nam - Trung Quốc đối với việc áp dụng bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, chứng thư xuất khẩu, vấn đề kiểm dịch động thực vật.

Đối với thị trường Mỹ sẽ tiếp tục đề nghị Mỹ sớm công nhận tương đương đối với xuất khẩu cá tra của Việt Nam và tập trung tháo gỡ rào cản kĩ thuật, giải quyết vướng mắc sản phẩm thủy sản theo Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản SIMP áp dụng nhiều qui định kiểm soát mặt hàng thủy sản trong đó có tôm, các ngừ, cá kiếm, bào ngư, hải sâm và chương trình Farm Bill.

Với thị trường Liên minh châu Âu (EU) sẽ tập trung tháo gỡ thẻ vàng đối với thủy sản xuất khẩu, hài hòa hóa các qui định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế. 

Đồng thời đẩy mạnh quảng bá, xuất khẩu nông sản sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trực tiếp vào thị trường 28 nước EU thông qua thực thi Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU. 

Còn thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung đàm phán, mở cửa thị trường cho các sản phẩm hoa quả vào thị trường Nhật Bản bao gồm nhãn, vải, bưởi, chôm chôm, vú sữa.

Bên cạnh đó,xúc tiến hàng nông sản vào các chuỗi siêu thị phân phối lớn như AEON tại Nhật Bản, tháo gỡ vướng mắc trong kiểm dịch chất lượng sản phẩm thủy sản vào Hàn Quốc, hài hòa các qui định về quản lí gỗ bền vững để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Hàn Quốc và đề nghị phía Hàn Quốc mở cửa thị trường cho sản phẩm thịt gà chế biến và trứng gia cầm muối.

Như Huỳnh