Tỉ trọng khiêm tốn, nông sản Việt muốn khai thác thêm nhiều dư địa từ Hàn Quốc
Thị phần nông sản Việt tại Hàn Quốc chỉ mới chiếm 6%
Ngày 29/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức diễn đàn Xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam – Hàn Quốc tại TP HCM.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết nhiều năm qua quan hệ thương mại Việt Nam và Hàn Quốc phát triển rất nhanh, trong đó có thương mại nông sản, với kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước hiện khoảng 2 tỉ USD.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất sang Hàn Quốc hơn 9 tỉ và nhập khẩu 22,5 tỉ, nhập siêu hơn 13 tỉ USD.
Một số mặt hàng thủy sản đã được xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc, điển hình như tôm, cá basa, cá tra. Cùng với đó, có 5 loại quả của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này như dừa, dứa, thanh long, xoài, chuối.
Tuy nhiên, thị phần nông sản của Việt Nam tại Hàn Quốc còn rất thấp, trong khi Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn, với tổng giá trị nhập khẩu năm 2018 là 35,2 tỉ USD. Riêng nhập khẩu rau quả và trái cây là 8,44 tỉ USD.
Do đó, Thứ trưởng Nam cho rằng còn nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Như Huỳnh.
Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản cũng cho biết năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc là 1,7 tỉ USD.
Con số này vẫn chưa tương xứng tiềm năng bởi hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc còn chiếm thị phần khá khiêm tốn chỉ khoảng 6%.
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham), cho biết, hiện một số nông sản Việt Nam có dư địa xuất vào Hàn Quốc như gạo lứt, cà phê, gỗ viên nén, gỗ ván ép, gỗ nội thất, cao su, tôm đông lạnh, mực, chuối tươi và khô.
Mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.
"Để xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc hay các thị trường khác, sản phẩm phải được công nghiệp hoá và tiêu chuẩn hoá, chủng loại phải giống nhau…
Trong khi đó, hiện chủng loại nông sản của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, chưa có thương hiệu thật mạnh nên khó tìm thấy đối tác đủ năng lực và đạt tiêu chuẩn", Phó Chủ tịch KorCham nói.
Mặt khác, theo ông Hong Sun, dù giá cả trái cây Việt Nam rẻ hơn Hàn Quốc, song khi xuất khẩu ra nước ngoài vẫn chưa phải là thấp, khó cạnh tranh.
Nhất là ở Việt Nam có xảy ra tình trạng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thường cạnh tranh nhau bằng giá rẻ. Đồng thời xuất hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lừa đảo, nhận tiền nhưng không gửi hàng.
Nếu không giải quyết được những vấn đề này sẽ ảnh hưởng nặng tới uy tín của nông sản Việt Nam cũng như tác động trực tiếp đến thu nhập của người nông dân, ông Hong Sun nhấn mạnh.
Nắm bắt xu hướng để tiếp cận
Ông Son Sung Hoon, Tổng giám đốc CJ Freshway Việt Nam cho rằng để mở rộng xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản, các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo có nguồn cung nguyên liệu ổn định từ trang trại, thay vì một số mặt hàng phải nhập khẩu từ nước ngoài như hiện nay.
Bởi lẽ, các nước nhập khẩu như Hàn Quốc thường có qui định, tiêu chuẩn riêng đối với mặt hàng nhập khẩu.
"Chỉ cần hàng nguyên liệu thô của Việt Nam có vấn đề từ ban đầu thì dù có sản xuất ra thành phẩm nào cũng không đạt tiêu chuẩn", ông Sung Hoon nói.
Bà Kim Yae Jin, Phó Trưởng chi nhánh Tổng công ty thương mại thực phẩm và nông thủy sản Hàn Quốc tại TP HCM, chia sẻ vấn đề đầu tiên người tiêu dùng Hàn Quốc quan tâm khi mua hàng, đó là độ an toàn của sản phẩm.
Bên cạnh đó, người dân bắt đầu chuyển qua mua hàng trực tuyến nhiều hơn và chú ý tới những sản phẩm có ý tưởng tiếp thị độc đáo, thu hút, thân thiện với môi trường.
Đây là những xu hướng tiêu dùng quan trọng nhất mà các nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý để có chiến lược phù hợp khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Hàn Quốc.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam tại diễn đàn Xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam – Hàn Quốc ngày 29/8. Ảnh: Như Huỳnh.
Theo đó, ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cho rằng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc cần đáp ứng các yêu cầu đồng bộ về chủng loại, chất lượng, kích cỡ, màu sắc, giống sản phẩm, phải có thương hiệu mạnh và xây dựng được mức giá đảm bảo tính cạnh tranh so với các nước như Philippines, Thái Lan, Indonesia, Mexico …
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây Việt Nam, nhất là ở các tỉnh phía Bắc, sang các thị trường khó tính, Chính phủ cần hỗ trợ xây dựng nhà máy chiếu xạ tại miền Bắc.
Theo đó, Thứ trường Trần Thanh Nam nhận định diễn đàn này sẽ giúp các cơ quan quản lí thông tin đến doanh nghiệp về tiềm năng xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước trong thời gian tới.
Đồng thời, giúp doanh nghiệp hai nước hiểu rõ thị trường của nhau và những qui chuẩn, tiêu chuẩn mà hai nước đã ban hành, qua đó tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước thúc đẩy quan hệ thương mại nông sản và góp phần giảm nhập siêu của Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài ra, để giải quyết tận gốc vấn đề chất lượng nông sản ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng ngành nông nghiệp cần đẩy nhanh việc xây dựng và tạo lập một nền nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra quốc tế.
Kèm theo đó là có chính sách tư vấn cho người nông dân về kĩ thuật, bảo đảm đầu tư cho người dân nâng cao chất lượng cũng như sản lượng sản phẩm…