Năng lượng tái tạo, chế biến nông sản, dệt may thu hút doanh nghiệp Ấn Độ
Ngày 22/8, tại TP HCM, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP HCM (VCCI HCM) phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ tổ chức Diễn đàn thương mại doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ 2019.
Ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI HCM, khẳng định Ấn Độ và Việt Nam có nhiều lĩnh lực bổ trợ nhau phát triển như dệt may, da giày, sản xuất thức ăn gia súc, năng lượng tái tạo, chế biến thủy hải sản…
Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ trong năm 2018 đạt gần 11 tỉ USD.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ đạt khoảng 6,5 tỉ USD, chủ yếu là các mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; hóa chất… và nhập khẩu từ Ấn Độ khoảng 5 tỉ USD.
Đặc biệt, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIG) đang góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam khi nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất 0%.
Cũng theo ông Thành, trong những năm gần đây, Ấn Độ cũng đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng chưa nhiều, xếp thứ 29/129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân đầu tư từ Ấn Độ chưa được đẩy mạnh vào Việt Nam là do chưa có đường bay trực tiếp từ Việt Nam sang Ấn Độ và ngược lại.
Ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI HCM phát biểu tại Diễn đàn thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.
Tuy nhiên, theo ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ: "Việt Nam là một trụ cột mạnh mẽ của Chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Các liên kết thương mại và đầu tư sâu rộng hơn đã được xác định là mục tiêu chiến lược của lãnh đạo cấp cao của cả hai nước".
Các doanh nghiệp Ấn Độ có mối quan tâm ngày càng tăng trong việc đầu tư và giao thương với Việt Nam.
Tính đến nay đã có hơn 250 dự án do công ty Ấn Độ đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 900 triệu USD. Nếu tính cả những dự án đầu tư của Ấn Độ thông qua các nền kinh tế thứ ba như Hong Kong và Singapore thì con số lên tới khoảng 1,7 tỉ USD.
"Các công ty Ấn Độ đang khám phá cơ hội tại Việt Nam để đầu tư vào nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chế biến nông sản, dược phẩm, công nghệ thông tin, dệt may, cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe", Đại sứ Ấn Độ cho hay.
Theo đó, tại hội thảo, gần 50 doanh nghiệp của hai nước đã gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực gồm xây dựng hạ tầng cơ sở, bất động sản, du lịch khách sạn, xử ái cấp thoát nước; truyền tải điện, xuất nhập khẩu hàng nông sản, năng lượng tái tạo…
Một trong những công ty thuộc phái đoàn Ấn Độ là Hindustan Computer Limited (HCL), đã gặp gỡ với lãnh đạo TP HCM và bày tỏ quan tâm đến việc phát triển một trung tâm công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư 650 triệu USD, sẽ tạo ra 10.000 việc làm về kĩ thuật.
Hindustan Computer Limited là một trong 3 công ty công nghệ thông tin lớn nhất Ấn Độ
Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ chia sẻ thông tin tại Diễn đàn. Ảnh: Như Huỳnh
Ông Mohammed Mudasser, Phó Giám đốc PwC Việt Nam cho hay Ấn Độ và Việt Nam đều có sự tiến bộ trong bảng xếp hạng Mức độ thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới gần đây, xếp hạng 77 và 69 trong số 190 quốc gia.
"Việt Nam là điểm đến ưa thích của nhà đầu tư, chủ yếu nhờ vào dân số trẻ, lao động lành nghề với chi phí tương đối thấp và cam kết tăng trưởng của chính phủ.
Cơ hội kinh doanh sẽ ngày càng mở rộng khi các doanh nghiệp giữa hai quốc gia bắt đầu liên doanh, chuyển giao công nghệ và tiếp thị để tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại song phương để đạt được các mục tiêu kinh tế cao hơn", ông Mohammed Mudasser nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Ấn Độ có thể tận dụng một số lợi thế của Việt Nam như , chính sách đầu tư hấp dẫn, nguồn nguyên liệu sẵn có và khả năng tiếp cận thị trường với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã kí kết gần đây như CPTPP và Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam.
Đại sứ Pranay Verma cho biết thêm, Ấn Độ là một trong những nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất trên thế giới. Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỉ USD vào năm 2024, khi đó Ấn Độ cũng có thể sẽ là thị trường tiêu dùng lớn thứ ba trên thế giới.
Ngoài ra, hiện Ấn Độ đang thực hiện một loạt các cải cách kinh tế để tăng cường uy tín của mình như là một nền kinh tế thân thiện với doanh nghiệp, bao gồm việc thực thi Thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST) và việc áp dụng Luật Phá sản.
Tuy nhiên, Đại sứ cũng lưu ý nhiều lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu nhưng chưa được các doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm đầu tư.
Nguyên nhân là do khoảng cách địa lí, thiếu thông tin về môi trường, chính sách khuyến khích đầu tư cũng như chưa thấy được tiềm năng của thị trường Việt Nam.
Do đó, các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại song phương sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư và hướng đến mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỉ USD vào năm 2020, ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ nhận định.