|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Còn lâu mới có vắc xin COVID-19' và 'vắc xin chưa chắc có hiệu quả'

10:52 | 13/05/2020
Chia sẻ
Trong khi Tiến sĩ Anthony Fauci - cố vấn y tế Nhà Trắng, cảnh báo không có gì đảm bảo vắc xin ngừa COVID-19 sẽ thực sự mang lại hiệu quả thì bà Melinda Gates - vợ tỉ phú Bill Gates, nghĩ rằng "phải may mắn" thì thế giới sẽ có vắc xin vào cuối năm 2020.
Cố vấn của ông Trump thận trọng, vợ tỉ phú Bill Gates tin có vắc xin ngừa COVID-19 vào cuối năm 'nếu may mắn' - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: AP

Trong khi các hãng dược trên khắp thế giới chạy đua để phát triển vắc xin ngừa COVID-19, Tiến sĩ Anthony Fauci - cố vấn y tế Nhà Trắng, đã lên tiếng cảnh báo: "Không có gì đảm bảo rằng vắc xin thực sự sẽ có hiệu quả".

Ngày 12/5, Tiến sĩ Fauci đã đưa ra lời cảnh báo kém vui trên đến Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Lương hưu của Thượng viện trong một phiên điều trần nhằm đánh giá khả năng khôi phục hoạt động kinh tế tại Mỹ.

Theo CNBC, các quan chức Mỹ xem quá trình phát triển vắc xin ngừa COVID-19 như một bước ngoặt quan trọng trong đại dịch, dù quá trình này sẽ mất ít nhất 12 - 18 tháng.

Ngoài thử nghiệm, vắc xin sẽ cần phải sản xuất hàng loạt để cung ứng cho hơn 7,6 tỉ người trên toàn thế giới. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại chưa có phương pháp điều trị nào được chứng minh là có hiệu quả với COVID-19.

Bình luận của ông Fauci cho thấy sự phức tạp trên con đường tìm ra vắc xin ngừa COVID-19.

"Bạn có thể tiêm vắc xin nhưng cơ thể không tạo ra phản ứng miễn dịch giúp bảo vệ sức khỏe trong thời gian dài", Tiến sĩ Fauci nói.

"Cho nên, một trong các ẩn số lớn hiện nay chính là tính hiệu quả của vắc xin. Dựa vào cách cơ thể phản ứng với các virus cùng nhóm với SARS-CoV-2, tôi lạc quan thận trọng rằng chúng ta sẽ có một ứng viên cho thấy tín hiệu hiệu quả".

Viện Y tế Quốc gia (NIH) - một cơ quan thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh, đã nhanh chóng làm việc với công ty công nghệ sinh học Moderna để phát triển một loại vắc xin tiềm năng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 30/4 có hơn 100 vắc xin đang được phát triển và nghiên cứu trên toàn cầu, trong đó ít nhất 8 ứng viên đang thử nghiệm lâm sàng trên người.

Cho đến khi một loại vắc xin được chứng thực, Tiến sĩ Fauci nhận định Mỹ cần tiếp tục cố gắng giảm thiểu thiệt hại và ngăn chặn đại dịch bùng phát. Ngoài ra, ông Fauci cho biết các nhà dịch tễ học đang lo ngại vắc xin phản tác dụng và làm tăng sức mạnh của virus SARS-CoV-2.

CNBC dẫn lời ông Fauci cho biết đã có ít nhất hai loại vắc xin trong quá khứ tạo ra "một phản ứng dưới mức tối ưu".

"Khi bệnh nhân tiếp xúc với virus, họ thực chất là đang tăng cường sức mạnh của mầm bệnh bên trong cơ thể, điều này luôn đáng lo ngại. Do đó, chúng tôi phải đảm bảo việc đó không xảy ra. Đây là hai ẩn số lớn nhất", ông Fauci nói.

Vợ tỉ phú Bill Gates nhận định tươi sáng hơn

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào ngày 12/5, nhà từ thiện tỉ phú kiêm cựu giám đốc công nghệ Melinda Gates - tức vợ nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, cho biết các nhà khoa học và quan chức y tế có thể tìm thấy một loại vắc xin ngừa COVID-19 hiệu quả vào cuối năm nay "nếu chúng ta may mắn".

Sản xuất một loại vắc xin có thể sử dụng được là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nghiên cứu sâu rộng trên các ứng viên tiềm năng, bà Gates nói.

"Nghiên cứu kĩ càng như vậy là để đảm bảo khi đưa vào cơ thể, vắc xin sẽ không gây hại nhiều hơn", vợ tỉ phú Bill Gates - đồng Chủ tịch Bill and Melinda Gates Foundation, cho hay. "Cho nên, nếu may mắn chúng ta có thể sẽ có ít nhất một loại vắc xin vào cuối năm".

Tiến sĩ Anthony Fauci ngày 12/5 cũng nói trước Thượng viện Mỹ rằng quá trình sản xuất vắc xin và phân phối ra thị trường cũng sẽ "mất thời gian".

Trước đó, theo Politico, bà Melinda Gates đã chấm cho chính quyền ông Trump một điểm "D-" vì ứng phó với đại dịch yếu kém, giật cục.

Bà Melinda nhận thấy thống đốc các bang phải tự thân vận động "với 50 giải pháp khác nhau, tương ứng với 50 tiểu bang" thay vì một phản ứng chung theo chỉ đạo của chính quyền liên bang.

Bà cũng chỉ trích chính phủ Mỹ vì "thiếu hợp tác" trên trường quốc tế. Cụ thể, nhà từ thiện này nêu ra trường hợp châu Phi, cho rằng vấn đề an ninh lương thực và một số vấn đề y tế khác trong khu vực này sẽ trở nên trầm trọng hơn sau đại dịch vì không nhận được sự giúp đỡ của các nước khác.

Khả Nhân