|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cổ phiếu công nghệ trượt dài trong năm 2022, không còn là 'con cưng' của chứng khoán Mỹ

21:25 | 02/01/2023
Chia sẻ
Năm 2022 đã biến nhiều “đứa con cưng” của thị trường chứng khoán Mỹ trở thành đồ bỏ đi, trong đó có cả các cổ phiếu công nghệ tiếng tăm một thời.

Cổ phiếu công nghệ "rớt đài" trong năm 2022. (Ảnh minh hoạ: New York Times).

Không còn là "con cưng"

Trong thập kỷ vừa qua, các nhà đầu tư Mỹ đã nhiều lần đổ xô mua vào cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn. Đà tăng mạnh của các cổ phiếu này giúp củng cố nhận định của nhà đầu tư rằng giá chỉ có thể đi lên.

Quả thực, giá cổ phiếu của Meta Platforms - công ty mẹ Facebook, Amazon.com, Apple, Netflĩ và Alphabet - công ty mẹ Google, đã kéo các chỉ số chứng khoán chính lên những mức cao mới.

Các cổ phiếu này phổ biến đến mức chúng có một từ viết tắt riêng: FAANG, tờ Wall Street Journal viết.

Mọi huyên náo đã dừng hẳn trong năm 2022, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất để khống chế lạm phát và khiến thị trường chứng khoán Mỹ chuyển hướng.

Các nhà đầu tư buộc phải đánh giá lại những ưu và nhược điểm khi nắm giữ cổ phiếu công nghệ, khi mà sức hút của nhóm này chủ yếu đến từ tiềm năng sản sinh ra lợi nhuận trong tương lai rất xa.

“Khi nắm trong tay nguồn tiền đầu tư miễn phí, bạn sẽ sẵn sàng đặt cược lớn vào lợi nhuận tương lai của doanh nghiệp, đặc biệt là cho các cổ phiếu tăng trưởng. Tất cả sẽ thay đổi khi lãi suất tăng lên”, CIO Erik Knutzen của hãng tư vấn Neuberger Berman cho hay.

Trong năm 2022, Meta đã giảm 64%, Netflix sụt 51% và ba cổ phiếu còn lại trong nhóm FAANG mất ít nhất 27%.

Vốn hoá thị trường của FAANG đã bốc hơi hơn 3.000 tỷ USD, gây tổn hại nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán nói chung. Chỉ số S&P 500 đã mất 19%, mức giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008.

 

Tại sao các cổ phiếu công nghệ lớn nhận được nhiều sự quan tâm đến vậy? S&P sẽ bị chi phối bởi vốn hoá thị trường của các cổ phiếu thành phần, vì vậy các công ty càng lớn thì càng có ảnh hưởng đến hướng đi của chỉ số này.

Ngay cả sau khi sụt mạnh vào năm ngoái, 5 cổ phiếu FAANG vẫn chiếm tỷ trọng 13% trong S&P 500, chỉ thấp hơn một chút so với con số 17% vào cuối năm 2021, theo S&P Dow Jones Indices.

Nói cách khác, một rổ các cổ phiếu phiếu công nghệ vốn hoá lớn - trong đó có FAANG, Microsoft, Nvidia và Tesla - là nguyên nhân khiến S&P 500 giảm mạnh trong năm 2022, nhiều hơn tác động của các cổ phiếu còn lại.

Cổ phiếu phòng thủ lên ngôi

Khi lãi suất gần mức 0, các nhà đầu tư sẵn lòng chi tiền cho các cổ phiếu tăng trưởng và tài sản rủi ro để đạt được lợi nhuận cao hơn.

Tuy nhiên, cùng với việc Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980, thị trường đã chuyển sang ưa thích những cổ phiếu có thể tạo lợi nhuận ổn định cho nhà đầu tư.

Năm qua, các cổ phiếu năng lượng trong chỉ số S&P 500 đã tăng 59%, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tại châu Âu khiến giá dầu thô nhảy vọt trong quý đầu tiên.

Cổ phiếu của các công ty sản xuất điện, hàng tiêu dùng thiết yếu và chăm sóc y tế - hay nhóm cổ phiếu phòng thủ - cũng vượt trội hơn so với thị trường chung.

“Trong đại dịch, cổ phiếu công nghệ trở thành con cưng của thị trường và được định giá quá cao. Năm 2022 đến, đầu tư giá trị mới là chiến lược mà mọi người ưa chuộng”, bà Gina Bolvin, Chủ tịch Bolvin Wealth Management Group, cho hay.

 

Sự đi lùi của các cổ phiếu công nghệ đã làm thay đổi cục diện thị trường chứng khoán. Đầu năm 2022, Tesla là công ty lớn thứ 5 trong chỉ số S&P 500. Kết năm, hãng xe điện lùi về vị trí thứ 11.

Meta bắt đầu năm 2022 ở vị trí thứ 6 và tụt xuống hạng 19 khi năm 2022 khép lại. Trong khi đó, ExxonMobil từng không lọt vào top 25 hồi đầu năm nhưng đã đang chốt sổ ở vị trí thứ 8 vào thời điểm cuối năm 2022.

Khi người tiêu dùng và doanh nghiệp thắt lưng buộc bụng để chuẩn bị cho nguy cơ suy thoái, các công ty công nghệ từng được cho là có thể miễn nhiễm với hầu hết bất ổn kinh tế đã chứng kiến doanh thu của mình chững lại.

Các công ty như Microsoft báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý tồi tệ nhất trong nhiều năm. Amazon và Meta thì tuyên bố sẽ sa thải lượng lớn nhân viên.

Tuy nhiên, dù đã sụt giảm giá trị trong năm qua, các cổ phiếu công nghệ dường như vẫn có khá đắt đỏ so với thị trường.

Theo FactSet, lợi nhuận dự phóng 12 tháng tới của các cổ phiếu công nghệ thông tin trong chỉ số S&P 500 đang là 20 lần. Trong khi đó, ước tính dự phóng cho chính chỉ số này chỉ là 17 lần.

 Mặt khác, các chiến lược gia cho rằng ảnh hưởng to lớn của nhóm công nghệ đến thị trường chung khó có thể thay đổi trong nay mai. Điều đó đồng nghĩa rằng các chỉ số chính vẫn có thể phải chịu thêm áp lực nếu các cổ phiếu công nghệ vốn hoá siêu lớn vẫn chật vật tìm điểm tựa.

Ông Eric Sterner, CIO tại Apollon Wealth Management, dự đoán rằng công nghệ có thể sẽ trở lại dẫn dắt thị trường khi Fed bắt đầu hạ lãi suất. Theo ông, thời điểm Fed nới lỏng tiền tệ có thể là vào năm 2024.

“Khi thị trường chung phục hồi [sau khi Fed hạ lãi suất], tôi nghĩ rằng các công ty công nghệ sẽ giành lại vị trí dẫn dắt bởi họ vẫn là những doanh nghiệp sáng tạo nhất trên thị trường”, ông Sterner nói.

Khả Nhân

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.