|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những tỷ phú Việt mất tiền nhiều nhất trong năm 2022

09:04 | 03/01/2023
Chia sẻ
Tính tới thời điểm ngày 30/12, Việt Nam chỉ còn 6 tỷ phú trong bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu của Forbes, ít hơn một người so với đầu năm.

Tháng 3, tạp chí danh tiếng Forbes đã chốt danh sách tỷ phú toàn cầu năm 2022. Năm nay, Việt Nam có 7 tỷ phú USD, bao gồm Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn, Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Thaco Group Trần Bá Dương.

Thời điểm mới chốt danh sách tỷ phú toàn cầu, nhóm tỷ phú Việt nắm giữ khối tài sản ròng có tổng giá trị 21,3 tỷ USD. Tuy nhiên, tính tới thời điểm 30/12/2022, tổng khối tài sản ròng nhóm tỷ phú Việt đang nắm giữ trị giá 12,4 tỷ USD, đồng nghĩa với việc 8,9 tỷ USD đã “bốc hơi” sau 9 tháng.

Do đó, hiện tại danh sách của Forbes chỉ còn 6 tỷ phú Việt. Ông Bùi Thành Nhơn, người mới nhất của Việt Nam gia nhập danh sách tỷ phú USD vào đầu tháng 3 hiện đã không còn được xếp hạng.

Biến động giá trị khối tài sản ròng của tỷ phú Việt Nam trong năm 2022. (Nguồn: Forbes - Anh Nguyễn tổng hợp).

Theo bảng xếp hạng tính tới ngày 30/12, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup vẫn là người giàu nhất Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị khối tài sản ròng mà ông Vượng nắm giữ hiện chỉ còn 4 tỷ USD, kém hơn đáng kể so với thời điểm tạp chí Forbes chốt danh sách tỷ phú, khi ông giữ khối tài sản ròng trị giá 6,2 tỷ USD.

Hiện tại, ông Vượng đang được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu thứ 684 thế giới. Đây là vị trí kém hơn những vị trí trong các tháng trước dó. Ông Vượng từng có thời điểm gần chạm mốc 400 người giàu nhất hành tinh.

Đứng ở các vị trí tiếp theo trong danh sách lần lượt là bà Nguyễn Thị Phương Thảo (2,3 tỷ USD), ông Hồ Hùng Anh (1,6 tỷ USD), ông Trần Đình Long (1,5 tỷ USD), ông Trần Bá Dương & gia đình (1,5 tỷ USD) và ông Nguyễn Đăng Quang (1,5 tỷ USD).

Có thể thấy, tất cả tỷ phú Việt trong bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu của Forbes đều chứng kiến giá trị khối tài sản ròng của họ giảm so với thời điểm đầu năm.

Ngoài ông Bùi Thành Nhơn đã không còn xuất hiện trong bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu của Forbes, mức giảm giá trị khối tài sản ròng của những tỷ phú Việt trong năm qua lần lượt là ông Phạm Nhật Vượng (giảm 2,2 tỷ USD), ông Trần Đình Long (giảm 1,7 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (giảm 800 triệu USD), ông Hồ Hùng Anh (giảm 700 triệu USD), ông Nguyễn Đăng Quang (giảm 400 triệu USD) và ông Trần Bá Dương & Gia đình (giảm 100 triệu USD).

Một phần nguyên nhân dẫn tới việc giá trị khối tài sản ròng của các tỷ phú Việt “bốc hơi” hàng tỷ USD trong năm qua đến từ việc giá cổ phiếu của các doanh nghiệp mà họ đang điều hành có xu hướng đi xuống trong năm 2022.

Đơn cử, giá cổ phiếu HPG đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/3, thời điểm tạp chí Forbes chốt danh sách tỷ phú toàn cầu, ở mức 36.600 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, tới phiên giao dịch ngày 30/12, giá cổ phiếu HPG chỉ đóng cửa ở mức 18.000 đồng/cổ phiếu, giảm gần một nửa trong quãng thời gian trên, theo dữ liệu từ Tradingview.

Biến động giá cổ phiếu HPG từ ngày 11/3 tới ngày 30/12. (Nguồn: Tradingview).

Tương tự, giá cổ phiếu VIC đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/3 ở mức 79.000 đồng/cổ phiếu, song tới kết phiên giao dịch ngày 30/12, giá cổ phiếu VIC chỉ còn đóng cửa ở mức 53.800 đồng/cổ phiếu.

Thực tế, việc giá trị khối tài sản ròng của các tỷ phú Việt lao dốc trong năm 2022 không phải điều gì quá đặc biệt bởi việc này cũng giống với xu hướng chung với khối tài sản ròng của giới tỷ phú trên toàn cầu.

Sau khi chứng kiến giá trị khối tài sản ròng tăng chóng mặt trong năm 2020 và 2021, những người giàu nhất hành tinh đã chứng kiến giá trị khối tài sản ròng của họ giảm mạnh khi thị trường chứng khoán lao dốc, xung đột tại Ukraine và lạm phát gia tăng.

Theo ước tính của tạp chí Forbes, các tỷ phú trên toàn cầu đã mất hơn 1.900 tỷ USD vào năm 2022, khi tổng giá trị tài sản ròng của họ giảm từ 13.800 tỷ USD hồi đầu năm xuống còn 11.900 tỷ USD vào ngày 9/12.  

Số lượng tỷ phú cũng giảm, từ 2.671 người hồi đầu năm xuống còn 2.523 người, theo công cụ theo dõi thời gian thực của Forbes. Lý do dẫn tới điều này là vì những tỷ phú nổi tiếng như Sam Bankman-Fried, Kanye West và người sáng lập Rivian, RJ Scaringe, đã tụt hạng và không còn nằm trong danh sách tỷ phú.

Trong số những tỷ phú giàu nhất hành tinh, không có nhóm tỷ phú nào chịu thiệt hại nặng nề hơn khoảng 300 tỷ phú công nghệ, những người đã chứng kiến giá trị khối tài sản ròng của họ giảm hơn 1.000 tỷ USD vào năm nay.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh Nguyễn

Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.