|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

5 phiên giao dịch đen tối nhất gây ra 95% tổn thất của S&P 500 trong năm 2022

08:28 | 30/12/2022
Chia sẻ
5 ngày giao dịch với những thông tin tiêu cực như số liệu lạm phát cao, lợi nhuận doanh nghiệp thấp và bình luận diều hâu của Fed đã gây ra 95% tổn thất của chỉ số S&P 500 trong năm nay.

Market Watch trích dẫn phân tích của ông Nicholas Colas, người đồng sáng lập công ty dữ liệu Datatrek, cho biết 5 phiên giao dịch tồi tệ nhất đã "giết chết cả năm” 2022. Hai trong số này là do dữ liệu lạm phát đáng thất vọng, trong khi những ngày còn lại do lợi nhuận doanh nghiệp thấp, hoặc bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

5 ngày tồi tệ nhất của chỉ số S&P 500 trong năm 2022 (hình tam giác đỏ), từ trái qua phải: 29/4, 5/5, 18/5, 13/6 và 13/9.

Ngày 13/9 (-4,3%)

Việc chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 của Mỹ tăng nhanh hơn dự kiến đã khiến thị trường chứng khoán hoảng sợ và ghi nhận phiên giảm sâu nhất kể từ năm 2020.

Lạm phát toàn phần ở mức 8,3%, trong khi lạm phát lõi (không bao gồm giá năng lượng và lương thực), tăng tốc 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Các nhà kinh tế và nhà phân tích đặc biệt lo lắng trước con số lạm phát lõi so với tháng liền trước, với mức tăng 0,6%, gấp đôi tỷ lệ dự kiến là 0,3%, làm dấy lên lo ngại rằng chi phí nhà ở tăng cao khi giá năng lượng đã bắt đầu hạ.

Ngày 18/5 (-4,0%).

Gã khổng lồ bán lẻ Target đã không đạt được kỳ vọng lợi nhuận trong quý đầu tiên, làm gia tăng lo lắng về khả năng đối phó với lạm phát của người dân Mỹ. Trước đó một ngày, Walmart cũng đưa ra báo cáo với triển vọng ảm đạm.

Đồng thời, trong một sự kiện do Wall Street Journal tổ chức, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận rằng “có thể có một số khó khăn” khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) nâng lãi suất.

Ngày 13/6 (-3,9%)

Đợt bán tháo nghiêm trọng vào ngày 13/6 diễn ra sau khi Mỹ công bố dữ liệu CPI tháng 5 cao hơn kỳ vọng. S&P 500 lần đầu tiên trong năm kết thúc phiên giao dịch trong trạng thái thị trường gấu, cụ thể là giảm 21,8% so với đỉnh lịch sử thiết lập đầu tháng 1/2022.

 

Ngày 29/4 (-3,6%)

Sự suy giảm của thị trường hôm 29/4 cũng được châm ngòi bởi thông tin đáng thất vọng về lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy vậy, đợt bán tháo lần này không phải do nhóm bán lẻ mà là do thị trường thương mại điện tử, cũng như nhiều cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn.

Amazon đã không đạt kỳ vọng lợi nhuận trọng quý đầu tiên. Cổ phiếu của công ty đã giảm 14%, một kỷ lục từ năm 2006. Apple, Microsoft và Alphabet (Google) cũng cắm đầu theo.

Ngày 5/5 (-3,6%)

Thị trường đi xuống một ngày sau khi ông Powell đảm bảo với các nhà đầu tư rằng Fed không xem xét tăng lãi suất nhiều hơn 50 điểm cơ bản. Tuy vậy, tuyên bố này khác xa với hành động thực tế của Fed, khi ngân hàng trung ương này đã tiếp tục nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trong 4 cuộc họp tiếp theo.

Theo ông Nicholas Colas của Datatrek, các nhà đầu tư có thể tìm ra nguyên nhân khiến thị trường năm nay chao đảo từ 5 phiên giao dịch trên.

Vào mùa xuân, các nhà đầu tư đã nhận ra rằng lạm phát cao và dai dẳng sẽ buộc Fed mạnh tay tăng lãi suất. Ngoài ra, kỳ vọng cao vào lợi nhuận doanh nghiệp đã tạo ra nỗi đau lớn khi chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ suy yếu.

5 ngày tồi tệ nhất của chỉ số S&P 500 trong năm 2022 (hình tam giác đỏ), từ trái qua phải: 29/4, 5/5, 18/5, 13/6 và 13/9. 

Trong năm nay, chứng khoán Mỹ bị bán tháo nhiều hơn là tăng giá. Từ Thế chiến II, chứng khoán Mỹ thường tăng nhiều hơn giảm. Tính đến hết phiên ngày 29/12, chỉ số S&P 500 đã giảm trong 141 ngày giao dịch và tăng trong 107 ngày.

S&P 500 đang trên đà kết thúc năm 2022 với mức giảm gần 20%, tiêu cực nhất kể từ năm 2008.

Minh Quang