|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phố Wall dự đoán đúng lợi nhuận doanh nghiệp nhưng sai giá cổ phiếu

15:32 | 29/12/2022
Chia sẻ
Một nhóm chuyên gia trên Phố Wall có thể dự đoán chính xác lợi nhuận của các công ty lớn nhất nước Mỹ trong năm 2022 song lại không dự báo đúng về xu hướng của thị trường chứng khoán.

Các chuyên gia trên Phố Wall đã không dự báo đúng xu hướng của thị trường cổ phiếu và trái phiếu 2022. (Ảnh: Reuters)

Theo FactSet, các nhà phân tích Phố Wall đã đưa ra ước tính thu nhập cho các doanh nghiệp có tên trong chỉ số S&P 500 là là 221 USD/cổ phiếu trong năm 2022, đúng như thực tế, với quý cuối cùng vẫn dựa trên ước tính.

Theo số liệu từ Refinitiv IBES, mức sai sót dưới 1 USD (tức 0,05%) là tỷ lệ thấp nhất trong các ước tính vào cuối năm kể từ năm 1995, tỷ lệ sai lệch trung bình thường là hơn 9%.

Tuy nhiên, thành công trong việc dự đoán lợi nhuận doanh nghiệp cũng không có nhiều ý nghĩa do Phố Wall hoàn toàn không lường trước được thị trường giá xuống đối với cổ phiếu và trái phiếu. Tình trạng trên là một lời nhắc nhở về sự nguy hiểm khi dự báo thị trường: Bạn có thể đúng và sai cùng một lúc.

 

Phố Wall bỏ lỡ những gì?

Lý do khiến các chiến lược gia dự báo sai về chỉ số S&P 500 rất đơn giản. Thu nhập, thành phần quan trọng trong chỉ số P/E (phản ánh mối quan hệ giữa giá cổ phiếu trên thị trường và lãi thu được trên một cổ phiếu) đã không còn là câu chuyện chính của năm nay. Thay vào đó, lợi suất trái phiếu mới là nhân tố quyết định.

Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng vọt và giá trị mà các nhà đầu tư đặt vào khoản thu nhập đó tụt dốc. Phần tử số (giá) của tỷ lệ P/E sụt giảm và Phố Wall bỏ lỡ điều này.

Theo Consensus Economics, tháng 12/2021, mức dự báo trung bình đối với lãi suất của tháng 12/2022 chỉ là 0,5%. Tuy nhiên, trên thực tế trong tháng này Fed đã tăng lãi suất lên biên độ 4,25 - 4,5%. Việc không dự báo được sự thay đổi quan trọng về lãi suất khiến Phố Wall gần như không thể đoán đúng bất cứ điều gì khác.

Đến tháng 12/2022, lãi suất quỹ liên bang của Fed đã lên khoảng 4,25 - 4,5%.

Thậm chí ít tổ chức dự báo đúng hướng của thị trường cổ phiếu. Các ngân hàng JPMorgan, Goldman Sachs và Citigroup từng lạc quan cho rằng chỉ số S&P 500 sẽ lần lượt đạt 5.100 điểm, 5.050 điểm và 4.900 điểm.

Các chiến lược gia của Bank of America đã có phần đúng khi dự báo giá cổ phiếu giảm với chỉ số S&P 500 rơi xuống 4.600 điểm. Tuy nhiên, ước tính này chỉ giảm 3% so với thời điểm Bank of America công bố dự báo. Chốt phiên 23/12, chỉ số S&P 500 đứng mức 3.844,82 điểm, giảm 19% từ đầu năm đến nay.

Cả ba chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều đang trên đà ghi nhận năm tồi tệ nhất kể từ 2008. 

Cơ sở của tất cả những dự báo sai lầm trên là nhận định cho rằng lạm phát sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi. Khi các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 gây ra được giải quyết, lạm phát sẽ giảm và cho phép Fed tăng lãi suất một cách nhẹ nhàng.

Trên thực tế, lạm phát đã lan rộng ra hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ. Giá năng lượng và lương thực đã tăng vọt sau khi bùng phát xung đột Ukraine-Nga.

Thông thường Fed luôn quan tâm đến biến động của giá cổ phiếu và trái phiếu. Tuy nhiên, 2022 là một năm bất thường khi Fed hầu như không để ý đến thị trường chứng khoán, trái phiếu và kiên quyết tiến hành chiến dịch tăng lãi suất lớn nhất trong một năm kể từ năm 1981.

Dự báo cho 2023

Đối với năm 2023, một lần nữa Phố Wall lại có sự đồng thuận mạnh mẽ rằng giá cổ phiếu sẽ tăng nhưng không nhiều do thu nhập vẫn yếu. Các chiến lược gia của Citigroup, Bank of America và Goldman Sachs đều nói rằng S&P sẽ kết thúc năm tới ở mức 4.000 điểm khi nước Mỹ trải qua cái mà Citigroup gọi là “cuộc suy thoái được dự đoán nhiều nhất trong nhiều thập kỷ.”

Trong khi đó, Goldman cho rằng kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái nhưng thu nhập biến động không đáng kể trong bối cảnh tăng trưởng yếu. JPMorgan kỳ vọng chỉ số S&P 500 sẽ tăng lên 4.200, nhưng chỉ sau khi sự hỗn loạn trên thị trường buộc Fed phải xoay trục khỏi chính sách thắt chặt tiền tệ.

S&P 500 hiện ở mức 3.783 điểm.

Các chuyên gia Phố Wall đồng thuận rộng rãi về một cuộc suy thoái nhẹ, hoặc tăng trưởng yếu, khi thiệt hại về thu nhập sẽ được bù đắp bằng việc Fed cắt giảm lãi suất vào cuối năm.

Tuy nhiên, hai kịch bản khác được ít người chuẩn bị hơn cũng có thể xảy ra. Thứ nhất, suy thoái kinh tế có thể sẽ sâu hơn và kéo dài hơn nhiều so với dự kiến, làm giảm thu nhập và giá cổ phiếu ngay cả khi Fed cắt giảm lãi suất.

Thứ hai, nền kinh tế có thể bùng nổ, nếu lạm phát chỉ là nhất thời. Trong một nền kinh tế tăng trưởng nhanh mà không có lạm phát, thị trường cổ phiếu sẽ tăng giá song trái phiếu lại đi xuống.

Trà My

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.