|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones mất 366 điểm, cổ phiếu dầu khí giảm sâu nhất chứng khoán Mỹ

07:26 | 29/12/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 28/12 đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ khi nhà đầu tư chuẩn bị khép lại một năm 2022 thất bát và lo lắng về nguy cơ suy thoái và tiền tệ tiếp tục thắt chặt trong năm 2023.

Dow Jones hiện nay thấp hơn 5% so với đầu tháng 12.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất gần 366 điểm, tương đương 1,1%, và đóng cửa ở 32.876 điểm. S&P 500 giảm 1,2% còn 3.783 điểm và chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tụt lại xa nhất với mức giảm 1,35%, kết phiên ở 10.213 điểm.

Apple gây áp lực tiêu cực tới Dow Jones khi giảm hơn 3% và rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.

Giá cổ phiếu Apple đang ở đáy 18 tháng.

Năng lượng là nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất chỉ số S&P 500 khi giá dầu cũng như khí tự nhiên cùng đi xuống. Occidental Petroleum sụt 3,5%, Chevron và ExxonMobil mất lần lượt 1,5% và 1,6%.

Cổ phiếu Southwest Airlines tiếp tục lao dốc 5,2% trong phiên 28/12 khi hãng hàng không giá rẻ này phải hủy hàng nghìn chuyến bay vì bão tuyết dữ dội trong dịp cao điểm nghỉ lễ cuối năm. Phiên trước đó, Southwest đã sụt 6%.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều giảm trong phiên 28/12.

CNBC dẫn lời ông Louis Navellier, Nhà sáng lập và Giám đốc đầu tư của công ty Navellier & Associates, nhận định: “Thị trường có vẻ đã kiệt sức, đây là điều dễ hiểu. Nhà đầu tư không còn mong đợi một đợt hồi phục kỹ thuật nữa, chỉ hy vọng nhanh đến cuối tuần mà không phải hứng chịu thêm thiệt hại vô nghĩa nào khác”.

Tuần giao dịch cuối cùng của năm đang dần khép lại và thị trường chứng khoán Mỹ trên đà ghi nhận năm tồi tệ nhất kể từ 2008. Nasdaq Composite diễn biến tiêu cực nhất trong ba chỉ số chính khi mất 34,7% vì nhà đầu tư rời bỏ cổ phiếu công nghệ giữa lo ngại suy thoái kinh tế. S&P 500 và Dow Jones hiện đang kém đầu năm 2022 lần lượt 9,5% và 20,6%.

Cả ba chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều đang trên đà ghi nhận năm tồi tệ nhất kể từ 2008.

Thông tin từ Hiệp hội Môi giới Bất động sản Mỹ (NRA) ngày 28/12 cho thấy doanh số nhà chờ bán trong tháng 11 giảm 4% so với tháng liền trước, tiêu cực hơn so với mức giảm 1,8% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.

Doanh số bán nhà đi xuống trong bối cảnh lãi suất vay thế chấp tăng vọt, khiến khách hàng ngần ngại không dám đi vay để mua nhà.

Lãi suất vay thế chấp mua nhà đang ở khoảng cao nhất kể từ 2007.

Ông Brian Levitt, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco, nói: “Có những dấu hiệu rõ ràng về việc nền kinh tế đang chậm lại, ví dụ như doanh số nhà chờ bán giảm xuống mức thấp thứ hai trong lịch sử”.

Ông Levitt nhận định thêm: “Doanh số bán nhà thường là một động lực mạnh mẽ của hoạt động kinh tế do mỗi ngôi nhà được bán ra thường hỗ trợ nhiều ngành khác nhau. Trong khi đó, lãi suất tiếp tục nhích lên vì Fed thể hiện quan điểm chính sách diều hâu. Tóm lại, nhà đầu tư đang hy vọng nền kinh tế hạ cánh mềm nhưng các thách thức vẫn đeo bám dai dẳng”. 

Đức Quyền

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.