|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ba dấu hiệu cho thấy ‘nền kinh tế đại dịch’ ở Mỹ đã kết thúc trong năm 2022

10:06 | 28/12/2022
Chia sẻ
Mỹ vẫn chưa thoát khỏi COVID-19, nhưng thói quen tiền bạc của người tiêu dùng đã quay trở lại như thời trước đại dịch.

Khách hàng đeo khẩu trang và găng tay để mua sắm tại một siêu thị Mỹ. (Ảnh: Getty Images). 

Mọi định nghĩa kỹ thuật đều chỉ ra rằng Mỹ vẫn đang ở trong đại dịch. Hồi tháng 9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng cái kết của đại dịch “đang hiện ra trước mắt”, nhưng vẫn chưa đến – đặc biệt là khi số ca nhiễm mới gia tăng và đe dọa sẽ gây ra một làn sóng dịch lớn vào mùa đông.

Một số lối sống thời đại dịch như đeo khẩu trang vẫn tiếp tục phổ biến ở Mỹ. Nhưng thói quen tiền bạc của người dân gần như đã hoàn toàn quay trở lại với các xu hướng trước đại dịch. Dưới đây là ba dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đại dịch tại Mỹ đã chấm dứt trong năm 2022, theo CNBC:

1. Chi tiêu cho giải trí 

Các nhà bán lẻ lớn như Walmart và Target đã phải đau đầu giải quyết số hàng tồn kho dư thừa trong năm nay trong bối cảnh người tiêu dùng thay đổi thói quen chi tiêu.

Sau khi tích trữ đồ điện tử và các mặt hàng gia dụng khác trong hai năm qua, người tiêu dùng đã quay lại chi tiêu cho các dịch vụ như du lịch và giải trí.

Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cho biết chi tiêu tiêu dùng cho hàng hóa lâu bền trong tháng 10 đi lên khoảng 6% so với một năm trước, nhưng chi tiêu cho dịch vụ thì tăng hơn 8%.

Hai ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất trong giai đoạn đầu của đại dịch là du lịch và khách sạn đã phục hồi gần như hoàn toàn.

Vào mùa thu vừa qua, lưu lượng hành khách của các hãng hàng không toàn cầu đạt gần 74% mức của tháng 9/2019, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế. Dữ liệu từ nền tảng đặt bàn OpenTable cho thấy người tiêu dùng Mỹ đã đi ăn hàng nhiều hơn trong năm 2019.

Hình ảnh các sân bay với hàng dài người đứng đợi và nhà hàng được đặt kín chỗ trong năm nay phản ánh sự trở lại của các hoạt động giải trí thông thường của người dân Mỹ.

2. Chi tiêu phục hồi khiến tiết kiệm trở nên khó khăn hơn

Có lẽ người tiêu dùng cũng đã dự kiến sẽ chi tiêu nhiều hơn trong năm nay khi quay trở lại nơi làm việc và đi chơi với bạn bè. Nhưng lạm phát cao dai dẳng và nỗi sợ suy thoái khiến cho mọi người khó kiểm soát chi tiêu và duy trì thói quen tiết kiệm tốt.

Sang năm 2022, người tiêu dùng không còn sự hỗ trợ tài chính của chính phủ như trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch. Bà Angeli Gianchandani, chuyên gia về hành vi người tiêu dùng, nói rằng việc này đang làm thay đổi cách mọi người sử dụng tiền bạc.

Các khoản cứu trợ tiền mặt và trợ cấp thất nghiệp bổ sung của chính phủ đã cho phép mọi người tiêu nhiều tiền hơn. Nhưng đồng thời, họ cũng tiết kiệm được một khoản khi không phải đi làm, mua sắm quần áo hay làm tóc.

Bà Gianchandani nói: “Nhưng giờ tình hình đã chuyển biến, lạm phát khiến cho tiền bạc của người tiêu dùng lệch hẳn sang phía chi tiêu thay vì tiết kiệm. Sự thay đổi này đang tạo ra gánh nặng cho mọi người”.

Trong giai đoạn đại dịch hoành hành, người tiêu dùng Mỹ đã thanh toán nợ trong thẻ tín dụng và tỷ lệ tiết kiệm cá nhân cũng tăng cao hơn bao giờ hết. Ngày nay, người tiêu dùng đã lại phải phụ thuộc vào thẻ tín dụng để chi trả cho các khoản mua sắm hàng ngày.

3. Đầu tư không còn cuồng nhiệt như trước

Thị trường chứng khoán Mỹ năm 2021 trở nên cực kỳ sôi động nhờ những sự kiện như cơn sốt GameStop và thực tế là các thị trường có vẻ đã phục hồi hoàn toàn và sẽ tiếp tục đi lên trong lúc thế giới tiếp tục mở cửa trở lại. Nhưng niềm lạc quan bắt đầu lắng xuống vào cuối năm trước và trượt dốc suốt năm 2022.

Các chỉ số chứng khoán chính sẽ kết năm ở mức thấp hơn hẳn năm trước. Những khoản đầu tư lớn khác như mua nhà cũng trở nên khó khăn vì Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Các yếu tố do đại dịch gây ra – bao gồm thời gian rảnh rỗi ở nhà, lãi suất thấp và tiền tiêu dùng dư dả - đã cho phép người tiêu dùng chi tiêu và đầu tư thoải mái hơn trong đỉnh điểm của đại dịch.

Nhưng hiện nay, trong bối cảnh giá cả cao, sức khỏe của nền kinh tế bấp bênh và hàng loạt khủng hoảng sôi sục như chiến sự Nga-Ukraine, mọi người đang kiếm tìm sự ổn định.

Chuyên gia Gianchandani dự đoán: “Sự không chắc chắn mà chúng ta đang trải qua sẽ khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen lần nữa”.

Từ nơi mua sắm đến nơi làm việc và đầu tư, bà nói rằng mọi người đang tìm kiếm các công ty có thể tạo ra giá trị cho cổ đông bên cạnh lợi nhuận đơn thuần.

Bà nói tiếp: “Doanh nghiệp cần có khả năng tương tác với khách hàng một cách minh bạch và cởi mở, đồng thời giúp họ xây dựng lòng tin để vượt qua các thử thách kinh tế”.

Giang