|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao hầu hết nhà kinh tế đều cho rằng Mỹ sẽ suy thoái trong năm 2023?

10:59 | 27/12/2022
Chia sẻ
Suốt vài tháng nay, các nhà kinh tế đã dự báo về một cuộc suy thoái ở Mỹ. Hầu hết đều cho rằng suy thoái sẽ bắt đầu vào đầu năm sau.

(Hình minh họa: Fortune). 

Suy thoái tại Mỹ thường xuất hiện một cách đột ngột nhưng rất có thể cuộc suy thoái tiếp theo sẽ khác.

Ông Mark Zandy, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, cho biết: “Thường thì suy thoái sẽ âm thầm tiến đến chỗ chúng ta. Các CEO không bao giờ nói về suy thoái. Giờ thì có vẻ như mọi CEO đều tranh nhau nói rằng Mỹ sẽ rơi vào suy thoái…"

"Mọi chuyên gia xuất hiện trên TV đều nói về suy thoái, các nhà kinh tế cũng vậy. Tôi chưa bao giờ chứng kiến điều gì như thế”, ông tiếp lời.

Nguyên nhân là Fed

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã giải cứu nước Mỹ khỏi hai cuộc suy thoái năm 2008 và 2020. Nhưng lần này, chính Fed lại ra sức khiến tăng trưởng chậm lại.

Fed từng kích thích nền kinh tế bằng cách hạ lãi suất xuống gần 0 và tăng cường thanh khoản thị trường bằng cách thêm hàng nghìn tỷ USD tài sản vào bảng cân đối kế toán. Giờ đây, Fed đang giảm dần quy mô bảng cân đối kế toán và nhanh chóng tăng lãi suất từ 0 lên phạm vi 4,25-4,5%.

Nhưng trong hai cuộc suy thoái trước, các nhà hoạch định chính sách không cần lo về việc lạm phát tăng cao ăn mòn sức chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp. 

Còn bây giờ, Fed đang phải trải qua cuộc chiến khốc liệt với lạm phát. Các quan chức dự báo sẽ tiếp tục nâng lãi suất lên mức 5,1% vào đầu năm sau. Các nhà kinh tế dự kiến Fed sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao nhằm kiểm soát lạm phát.

Những đợt tăng lãi suất của Fed đã tạo ra tác động rõ rệt lên thị trường nhà đất. Trong khi đó, lạm phát giá tiêu dùng vẫn chễm chệ ở mức 7,1% trong tháng 11.

Ông Tom Simons, nhà kinh tế thị trường tiền tệ tại ngân hàng Jefferies, dự đoán: “Bạn sẽ phải lục lại các cuốn sách giáo khoa kinh tế. Đây sẽ là một cuộc suy thoái kinh điển. Cơ chế truyền dẫn sẽ diễn ra vào đầu năm sau.

Đầu tiên, chúng ta sẽ thấy biên lợi nhuận doanh nghiệp thu hẹp đáng kể. Sau đó, doanh nghiệp sẽ cắt giảm chi phí, đầu tiên là bằng cách sa thải lượng lớn nhân công vào giữa năm 2023. Chính vào thời điểm này, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại đáng kể và lạm phát cũng sẽ đi xuống”.

Suy thoái sẽ tệ đến đâu?

Suy thoái thường được xác định là giai đoạn kinh tế suy giảm kéo dài, có ảnh hưởng sâu rộng và thường diễn ra trong hai quý hoặc hơn.

Bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại KPMG, nói với CNBC: “Tôi hy vọng cuộc suy thoái tiếp theo sẽ kết thúc nhanh và không nghiêm trọng, nhưng có khi đó chỉ là ước muốn viển vông.

Tin tốt là nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi một cách nhanh chóng. Chúng ta có các bảng cân đối vững mạnh, và nền kinh tế có thể phản ứng tích cực một khi Fed hạ lãi suất”.

 

Fed ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm 2023 và không dự báo suy thoái.

Song, bà Swonk cho rằng: “Suy thoái là không thể tránh khỏi vì Fed đang cố tạo ra suy thoái. Các quan chức nói rằng tăng trưởng sẽ về 0 và tỷ lệ thất nghiệp sẽ đi lên. Rõ ràng các quan chức dự kiến suy thoái sẽ xảy ra nhưng họ không nói thành lời”.

Fed dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ mức hiện tại là 3,7% lên 4,6% vào năm sau.

Fed đổi hướng?

Không rõ các nhà hoạch định chính sách sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong bao lâu. Nhà đầu tư trên thị trường tương lai kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2023. Nhưng dự báo của Fed thì cho thấy lãi suất sẽ hạ từ năm 2024.

Bà Swonk tin rằng Fed sẽ phải giảm lãi suất sớm hơn dự kiến vì suy thoái. Nhưng nhà kinh tế Simons của Jefferies thì thấy rằng suy thoái và môi trường lãi suất cao có thể kéo dài đến cuối năm 2024.

Ông Simons nhận xét: “Thị trường đang nghĩ rằng Fed sẽ đảo chiều lãi suất khi nền kinh tế giảm tốc. Các nhà đầu tư không nhận ra rằng Fed cần duy trì lãi suất cao để giữ uy tín lâu dài của họ đối với lạm phát”.

Nguy cơ suy thoái đã hiện hữu, nhưng Fed vẫn chưa thực sự khiến thị trường lao động suy yếu và làm nguội nền kinh tế qua thị trường lao động. Tuy nhiên, tin tức về các công ty sa thải nhân sự đã xuất hiện và một số nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng việc làm sẽ chậm lại vào năm sau.

Nhà kinh tế Zandy của Moody’s Analytics nói: “Đầu năm nay, nền kinh tế tạo ra được 600.000 việc làm mới mỗi tháng, bây giờ có lẽ là 250.000. Sang năm tới, con số này sẽ giảm xuống 100.000 rồi sau đó về 0. Sự giảm tốc này không đủ để gây ra suy thoái, nhưng đủ để hạ nhiệt thị trường lao động".

Ông nói tiếp: “Điều trớ trêu là mọi người đều đang chờ đợi suy thoái”. Theo ông, sự kỳ vọng này có thể sẽ thay đổi hành vi của mọi người, khiến nền kinh tế hạ nhiệt và Fed không cần phải thắt chặt chính sách đến mức bóp nghẹt nền kinh tế nữa.

Ông Zandi chỉ ra: “Gánh nặng chi trả nợ nần chưa bao giờ thấp như hiện nay, các hộ gia đình có nhiều tiền mặt, doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán vững chắc, biên lợi nhuận ở gần mức đỉnh lịch sử.

Hệ thống ngân hàng chưa bao giờ có cơ cấu vốn hay thanh khoản mạnh như bây giờ. Mọi tiểu bang đều có tiền dự trữ phòng hờ. Nguồn cung của thị trường nhà đất vẫn thiếu hụt. Thường thì nguồn cung nhà đất sẽ thừa mứa trước thềm suy thoái… Nền tảng của nền kinh tế có vẻ vững chắc”.

Nhưng ông Zandy chỉ là một trong số rất ít các chuyên gia tin rằng Fed có thể tránh được suy thoái. Bà Swonk nói: “Thật khó có thể cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm khi mà Fed vẫn đang quyết tâm thắt chặt chính sách như lúc này. Tình hình kinh tế càng có vẻ tốt thì Fed lại càng phải cứng rắn. Điều đó có nghĩa là Fed sẽ hành động nhiều hơn”.

Giang

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.