Chứng khoán Mỹ phục hồi sau hai phiên giảm, Nasdaq tăng 2,6%
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 345 điểm, tương đương 1,05%, lên gần 33.221 điểm. Phiên trước đó, chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này mất 366 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đi lên tích cực hơn với tỷ lệ lần lượt 1,75% và 2,59%.
So với đầu tuần, S&P 500 và Dow Jones đang tăng nhẹ, Nasdaq thấp hơn khoảng 0,2%.
CNBC dẫn lời ông Louis Navellier, Nhà sáng lập và Giám đốc đầu tư của Navellier & Associates, gọi phiên tăng điểm 29/12 là “phiên bản rút gọn một ngày của đợt tăng giá dịp Giáng sinh”.
“Trong năm mới, thị trường sẽ còn biến động mạnh hơn khi có nhiều bất trắc về khả năng hạ cánh mềm và liệu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cứng rắn đến đâu để không chuyển hướng chính sách nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu”, ông Navellier nói.
Cổ phiếu Apple bật tăng 2,83% sau 4 phiên suy giảm liên tục. Đại gia sản xuất iPhone này hiện có vốn hóa 2.061 tỷ USD, lớn nhất thị trường chứng khoán Mỹ. Các doanh nghiệp khác đều có giá trị thị trường dưới mốc 2.000 tỷ USD.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm từ đầu phiên sáng 29/12 sau khi Cục Thống kê Lao động thông báo số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 24/12 là 225.000, cao hơn 9.000 người so với tuần trước đó và trên mức 223.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.
Fed có hai nhiệm vụ chính là ổn định giá cả và tối đa hóa việc làm. Nếu thị trường lao động suy yếu đáng kể, Fed có thể sẽ phải giảm nhịp độ thắt chặt tiền tệ trong chiến dịch chống lạm phát để chuyển hướng ưu tiên sang thị trường việc làm.
Ông Jason Blackwell, Giám đốc chiến lược đầu tư tại The Colony Group, nhận xét: “Thị trường có vẻ đánh giá cao việc báo cáo thị trường lao động cho thấy số người đăng ký trợ cấp thất nghiệp tăng nhẹ, cho chúng ta thêm bằng chứng rằng một cuộc hạ cánh mềm là có thể xảy ra”.
Đà tăng lan tỏa rộng khắp các nhóm ngành trong phiên 29/12. Nhóm cổ phiếu viễn thông và công nghệ dẫn đầu khi cùng đi lên hơn 2,6%. Nhóm tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản cùng tăng hơn 2%.
Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều đang trên đà ghi nhận năm tồi tệ nhất kể từ 2008. So với đầu năm 2022, Dow Jones đã mất 8,6%, S&P 500 thấp hơn 19,2% còn Nasdaq sụt 33%.