Cơ hội sẽ đến với những doanh nghiệp dệt may nào trước ngưỡng cửa EVFTA?
2019 khó khăn vì thương chiến
Trong năm 2019, ngành dệt may nước ta gặp nhiều khó khăn và bắt đầu có biểu hiện "hụt hơi" so với những năm trước. Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong năm 2019 là 39 tỉ USD, tuy tăng trưởng 7,1% so với năm 2018 nhưng tốc độ hiện tại đã chậm hơn so với mức tăng hai con số của những năm trước.
Chia sẻ với báo chí về tình hình trên, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định nguyên nhân chủ yếu là do những hệ lụy từ Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến ngành sợi gặp khá nhiều khó khăn, nhất là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra, ông còn chia sẻ năm 2019 cũng là quãng thời gian cho thấy làn sóng FDI, nhất là từ Trung Quốc đổ về Việt Nam ngày càng tăng. Tại Trung Quốc, giá nhân công tăng cao cộng với tình hình chiến tranh thương mại với Mỹ căng thẳng đã khiến nhiều doanh nghiệp dệt may Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển sản xuất về Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, nếu như trong năm 2018, tới thời điểm giữa năm, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đã có đơn hàng đến hết năm, thì thời điểm năm 2019 chỉ kí được các đơn hàng có số lượng nhỏ và kí theo tháng.
Tâm lí chung của người mua đều lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ leo thang, nên các đơn hàng bị "chia nhỏ" thay vì đặt số lượng lớn như những năm trước".
Với những khó khăn như trên, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may trong năm 2019 cũng có nhiều sự thay đổi. Dù vậy, trong bức tranh màu xám, vẫn có những doanh nghiệp đạt được kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kì năm trước.
Cơ hội và thách thức từ EVFTA
Ngày 12/2 vừa qua, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), theo đánh giá của Bộ Công Thương, EVFTA sẽ là cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thị phần tại thị trường châu Âu và là điều kiện để Việt nam nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đối với hàng dệt may, 42,5% số dòng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ được xóa (chủ yếu là thuế đối với nguyên liệu dệt) ngay khi hiệp định có hiệu lực, phần còn lại (chủ yếu là thuế đối với sản phẩm dệt may cuối cùng) sẽ giảm dần xuống 0% trong vòng 3-7 năm từ mức khởi điểm 12%.
Với việc EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành dệt may Việt Nam, với giá trị xuất khẩu năm 2018 đạt 4,1 tỉ USD (tương đương 13,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may), việc giảm thuế từ mức hiện tại, các sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang EU phải chịu mức thuế 7-17% (trung bình 9,6%) theo GSP.
CTCK VNDirect cho rằng, các nhà xuất khẩu nguyên liệu dệt (vải, sợi, len…) sang EU (hiện chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU) sẽ hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm dệt may hoàn thiện sang EU, Công ty chứng khoán này cho rằng lợi ích từ EVFTA sẽ tăng mạnh cùng với đà giảm của thuế quan từ năm thứ hai trở đi.
Trong quá khứ, sự tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam gắn liền với các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là ngành dệt may. Với Hiệp định thương mại Việt Nam - Mỹ có hiệu lực từ tháng 12/2001, mức kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 2 tỉ USD trong năm 2001.
Những năm sau, dệt may tăng trưởng trung bình gần một tỷ USD mỗi năm. Với việc gia nhập WTO năm 2007, FTA ASEAN - Nhật Bản năm 2008, ASEAN - Hàn Quốc năm 2009, con số này tăng trung bình 2 tỉ USD mỗi năm, đạt 24,7 tỉ USD năm 2014.
Tuy nhiên, không phải ngành nghề nào và doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi. Theo báo cáo ngành dệt may của Chứng khoán Rồng Việt, thì tuy giá trị xuất khẩu sang châu Âu cao, nhưng thị phần của sản phẩm may mặc Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của châu Âu chỉ là 3%. Điều đó cho thấy dư địa của thị trường Châu Âu còn rất nhiều.
Trong các công ty dệt may niêm yết thì TNG, May Sông Hồng, May 10, May Sài Gòn đều là những doanh nghiệp có tỉ trọng xuất khẩu sang châu Âu trong cơ cấu doanh thu xuất khẩu khá cao.
Mặc dù được dự báo sẽ được hưởng lợi nếu hiệp định EVFTA có hiệu lực, ngành dệt may của Việt Nam cũng được khuyến cáo sẽ phải có những thay đổi để có thể thỏa mãn điều kiện về xuất xứ, qua đó có thể tận dụng các ưu đãi về thuế quan mà hiệp định EVFTA mang lại.
Đồng thời, ngành dệt may cũng đang đối mặt với những vấn đề đang khá nhức nhối đó là cạnh tranh nguồn nhân lực ngày càng gia tăng. Làn sóng dịch chuyển nhà máy vào Việt Nam để né thuế đang đẩy chi phí nhân công ngày càng đắt đỏ hơn, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho biết, lực lượng nhân công vốn từng là lợi thế của ngành dệt may Việt Nam thì nay cũng đang trở thành một thách thức. Trong quá khứ, lao động trong lĩnh vực dệt may của Việt Nam từng được đánh giá cao ở ba điểm là sự khéo léo, chi phí và số lượng.
"Nhưng hiện nay, nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo thì máy móc có thể làm được, giá lao động Việt Nam đã không còn rẻ trong so sánh với một số nước khác, lực lượng lao động bổ sung giảm do dân số già đi. Đây là những điểm đáng quan ngại", bà Trang nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng từng chia sẻ: "Với các quy định mới, chi phí cho nhân công dệt may của Việt Nam hiện rất cao. Mức lương trung bình của họ là 300 - 450 USD/tháng/người tùy khu vực, cao hơn nhiều mức lương khoảng 150 USD/tháng/người của lao động ở các nước Myanmar, Bangladesh… Bên cạnh đó, công tác đào tạo cho ngành dệt may vẫn còn rất yếu".