Thuế nhập khẩu giảm nhờ EVFTA sẽ thúc đẩy tiêu thụ tôm Việt Nam, Sao Ta và Minh Phú được lợi gì?
Theo cam kết của EU, thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) mã HS 03 sẽ giảm từ mức 4,2% (thuế GSP) hiện nay về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực hoặc theo lộ trình từ 3 - 5 năm.
VDSC cho rằng Ecuador và Ấn Độ là đối thủ chính của tôm nguyên liệu Việt Nam (tôm thẻ và tôm sú). Argentina xuất khẩu tôm đỏ nên không phải là đối thủ cạnh tranh với tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Các nước xuất khẩu tôm lớn là Trung Quốc và Thái Lan không được hưởng thuế GSP nên cũng kém cạnh tranh so với tôm Việt Nam.
Phân tích kĩ hơn, VDSC đánh giá tôm Ấn Độ được hưởng thuế GSP nhưng tiêu thụ lại đang gặp khó do bị kiểm tra tồn dư kháng sinh với tần suất 50% lô hàng và có thể bị nâng lên 100%. Trong khi đó, tôm Ecuador được miễn thuế hoàn toàn vào EU sau khi Hiệp định Thương mại tự do EU - Ecuador có hiệu lực từ năm 2015 và là đối thủ chính của tôm Việt Nam ở nhóm tôm nguyên liệu.
Với mặt hàng tôm chế biến mã HS 16, thuế nhập khẩu đa số sản phẩm sẽ giảm từ 7% hiện nay về 0% trong vòng 7 năm. VDSC đánh giá rằng tăng trưởng xuất khẩu tôm chế biến có thể không nhiều, bởi lẽ mức giảm thuế hàng năm không lớn và thực tế là Việt Nam cũng đã đứng đầu về thị phần cung cấp tôm chế biến cho EU (thị phần 22% về lượng và 18% về kim ngạch).
Tỉ trọng xuất khẩu tôm nguyên liệu/tôm chế biến Việt Nam vào EU là 72/28 (xét theo giá trị năm 2018). VDSC cho biết lộ trình giảm thuế về 0% của tôm nguyên liệu ngắn hơn tôm chế biến, do đó tôm nguyên liệu là nhóm được hưởng lợi chính từ EVFTA.
Với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu tôm, 40% doanh số của Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) là vào EU, trong khi khu vực này chỉ chiếm khoảng 11% doanh số của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC). Theo đó, Sao Ta có thể hưởng lợi nhờ biên lợi nhuận được cải thiện, trong khi Minh Phú có cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu sang EU.
Quí III/2019, Sao Ta đạt doanh thu thuần gần 1.120 tỉ đồng và lãi sau thuế 76 tỉ đồng, lần lượt tăng 4% và 30% so với cùng kì năm trước. Doanh nghiệp này báo lãi lớn nhờ chủ động gom tôm nguyên liệu tại thời điểm giá tôm giảm.
Về phía Minh Phú, doanh thu xuất khẩu tôm tháng 9 của đơn vị này chỉ đạt gần 60 triệu USD, giảm 34% cùng kì năm trước. Trong đó, doanh thu vào thị trường Mỹ giảm 58,8% xuống còn 18,7 triệu USD; thị trường Châu Âu có mức tăng trưởng mạnh 22% so với cùng kì, nhưng qui mô vẫn còn nhỏ với doanh thu khoảng 7,1 triệu USD trong tháng 9.
Hiện, Minh Phú vẫn chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí III và đã xin gia hạn nộp đến ngày 15/11/2019.