EVFTA là thời điểm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
Tại cuộc Tọa đàm với chủ đề: “EVFTA: Hành trình 1 Thập kỉ nỗ lực không ngừng nghỉ” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 14/2, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, EVFTA mang lại nhiều lợi thế cho cả hai bên khi cơ cấu kinh tế giữa Việt Nam với EU có cơ chế bổ sung, tương hỗ cho nhau.
Chính vì thế, hội nhập với EVFTA, sẽ có những lĩnh vực, ngành nghề của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều lợi thế nhất như dệt may, giày dép và các mặt hàng nông sản. Ngay cả các mặt hàng điện tử cũng có nhiều lợi thế từ Hiệp định EVFTA.
Tuy nhiên, bên cạnh việc hưởng lợi về ưu đãi thuế quan từ EVFTA, Chủ tịch VCCI cũng lưu ý vẫn còn những lĩnh vực, ngành nghề của Việt Nam có thể gặp nhiều bất lợi với EVFTA như hóa chất, phương tiện vận tải hay lĩnh vực sản xuất sắt, thép, dược phẩm,… nhưng với lộ trình mở cửa đã được tính toán khá kĩ lưỡng, Hiệp định sẽ phù hợp với sức vươn lên của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
“Những lĩnh vực không có lợi thế đã lường trước được sức ép cạnh tranh nên EVFTA đã đưa ra lộ trình hoàn thiện từ 3 - 7 năm, thậm chí cao hơn để phù hợp với sức vươn lên của doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận đương đầu với sự cạnh tranh để từ đó có những nỗ lực, cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh, có thể đương đầu với cạnh tranh mới mà không còn trồng chờ vào sự bảo hộ”, ông Lộc chỉ rõ.
Chủ tịch VCCI cũng phân tích, lịch sử giai đoạn mở cửa của Việt Nam cũng đã cho thấy, với những lĩnh vực nào Việt Nam sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, mở cửa và từ bỏ sự bảo hộ từ sớm, đến nay đang có năng lực cạnh tranh rất cao. Còn những lĩnh vực luôn trong sự ôm ấp của “vòng tay bảo hộ” đã và sẽ không phát triển được.
“Đây cũng chính là bài học trong hành trình mở cửa từ những năm vừa qua để cộng đồng doanh nghiệp rút kinh nghiệp, xác định và tạo ra tinh thần mới trong giai đoạn hội nhập”, Chủ tịch VCCI nói.
Không quá lạc quan với những lợi thế từ EVFTA, ông Vũ Tiến Lộc lưu ý, hiện nay, ngay cả đối với một số lĩnh vực lợi thế như dệt may, giày dép…việc phát triển công nghiệp hỗ trợ rất cần được coi trọng và phải được xác định là vấn đề cấp bách hàng đầu.
Bởi nếu khi không phát triển công nghiệp hỗ trợ thì các ngành hàng của Việt Nam cũng sẽ không thể tận dụng được những ưu đãi về thuế quan từ EVFTA.
Do đó, theo ông Lộc, khi Việt Nam chính thức tham gia vào EVFTA cũng chính là thời điểm cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển công nghiệp hỗ trợ.
“Nhiều năm qua công nghiệp hỗ trợ chưa thành công. Mấy năm qua dù đã có những nỗ lực nhưng chắc lĩnh vực này phải có những nỗ lực tích cực hơn, quyết liệt hơn để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ”, Chủ tịch VCCI đánh giá và chỉ rõ, chỉ khi Việt Nam chú trọng đến công nghiệp hỗ trợ sẽ tạo đà phát triển lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như siêu nhỏ.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, tạo cơ hội cho các loại hình doanh nghiệp chính là vấn đề rất quan trọng bởi khi Việt Nam trong xu hướng hội nhập.
Đó là vấn đề nền tảng và cốt yêu bởi khi đất nước hội nhập, cơ hội mang đến sẽ không phải chỉ dành cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn mà sẽ có sự vào cuộc của cả cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả cả doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng như không loại trừ các hộ nông dân và các hộ kinh doanh cá thể.
Ông Lộc thông tin, nhận thức đúng đắn về điều này, hiện nay Chính phủ đang có đề xuất rất quan trọng là đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, từ đó minh bạch hóa, nâng cao năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực này, tác động cơ bản đưa khu vực này có thể tham gia vào quá trình hội nhập.
“Quá trình hội nhập luôn phải đảm bảo tính bao trùm và phải mang lại lợi ích cho người lao động, mang lại lợi ích cho các hộ nông dân, mang lại lợi ích cho các hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ thì hội nhập mới thành công.
Chính vì vậy, ngay lúc này, rất cần một nền tảng chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vừa và siêu nhỏ để các doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội.
Khi có chính sách nền tảng sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong hội nhập EVFTA cũng như các hiệp định tự do thế hệ mới được thành công", ông Lộc chỉ rõ.