|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Công nghiệp hỗ trợ Việt hấp dẫn nhưng còn nhiều 'điểm trừ'

13:34 | 12/09/2019
Chia sẻ
Xu thế kết nối và hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ là chiến lược giúp giảm giá thành, tăng cạnh tranh, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa và thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Nhiều DN sản xuất trên thế giới muốn tìm cơ hội mua hàng tại Việt Nam

Sáng 11/9, Sở Công Thương TP HCM phối hợp cùng Ban quản lí các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP, Ban quản lí Khu Công nghệ cao TP HCM khai mạc "Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ lần 2 năm 2019".

Báo cáo của Sở Công Thương TP HCM cho biết trong 8 tháng năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố tăng hơn 7% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3%; sản xuất và phân phối điện tăng hơn 9%...

Riêng với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2019 tăng 6,4% so cùng kì năm 2018. Trong đó, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống tăng 0,4%; ngành hóa dược giảm 0,7%; ngành điện tử tăng 24,2%; ngành cơ khí tăng 9,4%.

Đáng chú ý, ngành sản xuất hàng điện tử tăng cao do các doanh nghiệp thường xuyên ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại, các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao (chất bán dẫn, vi mạch, bo mạch điện tử…) và có thị trường tiêu thụ ổn định.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương, cho biết có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất trên thế giới muốn tìm cơ hội mua hàng tại Việt Nam và đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Đơn cử, 17 nhà mua hàng quốc tế lẫn trong nước có nhu cầu hơn 250 cụm chi tiết, linh kiện đã tìm kiếm nhà cung ứng tại Ngày hội Tìm kiếm nhà cung cấp năm 2018. 

"Đại diện 17 doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối với vai trò là nhà mua hàng đã đánh giá các nhà cung cấp tiếp xúc trực tiếp là có tiềm năng và 51% trong đó xác lập cuộc hẹn đi thăm nhà máy của các doanh nghiệp cung ứng.

Nhiều nhà sản xuất lớn của thế giới như Samsung, Bosch, Misubishi, Schindler… đã tiến tới tìm hiểu sâu, kí kết hợp đồng mua hàng với doanh nghiệp cung ứng", ông Phương nói.

ea5b44ce162ef170a83f

Các nhà cung ứng trong và ngoài nước tại "Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ lần 2 năm 2019". Ảnh: Như Huỳnh.

Tuy nhiên, theo đại diện một số doanh nghiệp, thực tế dù tìm được nhà cung cấp tiềm năng nhưng khi bàn bạc sâu hơn thì không đáp ứng được yêu cầu của họ.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, phụ trách xúc tiến đầu tư thị trường quốc tế KCN Long Hậu, cho biết nguyên nhân khiến các nhà đầu tư Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… khó tìm được nhà cung ứng là những doanh nghiệp này chưa có sự hỗ trợ tốt cho nhà cung cấp. 

Trong khi đó, mỗi nhà sản xuất đầu cuối có nhu cầu, tiêu chí mua hàng khác nhau nên nhà cung cấp nội địa khó đáp ứng được 100%.

Còn ông Đặng Quốc Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH thiết kế chế tạo Nhật Minh, nói rằng bên cạnh các ưu đãi về chính sách, thực tế phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt còn gặp rất nhiều khó khăn, rào cản về tiếp cận vốn, giải quyết thủ tục hành chính và thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại các doanh nghiệp sản xuất yêu cầu đơn vị cung ứng mạnh, đáp ứng được các yêu đầu đưa ra. 

Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn chỉ ra rằng giá cả chưa cạnh tranh cũng là một điểm trừ làm giảm cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Cầu nối giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Ông Nguyễn Dương Hiệu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp và Thương hiệu LIDOVIT, cho biết ngoài các hoạt động kết nối với nhà cung cấp, Bộ Công Thương và Sở Công Thương TP HCM còn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến, hỗ trợ vốn đầu tư máy móc thiết bị. Đó là đòn bẩy giúp doanh nghiệp có sức bật trong giai đoạn đầu. 

Tuy nhiên, để hấp dẫn các nhà sản xuất lớn doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần tập trung xây dựng các chính sách phát triển một số ngành chính có khả năng tạo dung lượng thị trường và nâng cao năng lực của các nhà cung cấp.

"Doanh nghiệp FDI thường có nhu cầu lớn về việc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm, do vậy doanh nghiệp Việt phải chủ động đầu tư để ngoài vấn đề chính là năng lực sản xuất, chất lượng, giá cả sản phẩm còn có khả năng kết nối hiệu quả, bán hàng vào hệ thống của họ, cạnh tranh công bằng với các nhà cung ứng khác", ông Hiệu chia sẻ.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn cho rằng xây dựng chiến lược đầu tư sản xuất dài hạn, chú trọng bảo đảm hệ thống chất lượng toàn diện, tăng năng lực cung ứng từ sản xuất theo đơn hàng sang sản xuất hàng loạt sẽ có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Cùng với đó, xu thế kết nối và hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ là chiến lược giúp giảm giá thành, tăng cạnh tranh, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa và thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

832865bf375fd001894e

Hoạt động kết nối trực tiếp với nhà cung ứng và khách hàng tiềm năng diễn ra xuyên suốt hội nghị. Ảnh: Như Huỳnh.

f332e3a6b14656180f57

Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trưng bày, giới thiệu trực tiếp với đối tác tại hội nghị. Ảnh: Như Huỳnh.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương, cho biết Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ 2019 cũng là một hoạt động tiêu biểu nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

"Đây là cơ hội trao đổi, tiếp xúc để xây dựng kế hoạch phát triển, giúp doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất đầu cuối, góp phần nâng cao tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam", ông Đông nói.

Còn theo ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương hội nghị chính là hoạt động phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của TP HCM nói riêng và của cả nước nói chung thông qua việc tiếp cận thông tin đầy đủ và cụ thể của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp đầu cuối để cải thiện hiệu quả sản xuất.

Đồng thời tăng khả năng tiếp cận với các đối tác, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong - ngoài nước và các nhà đầu tư, mở rộng thị trường và từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Như Huỳnh