Doanh nghiệp thủy sản và EVFTA: Niềm vui có chia đều?
Ngày 30/6, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức được kí kết sau 9 năm đàm phán.
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế; sau 7 năm hơn 99% số dòng thuế được gỡ bỏ - tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 28 nước thành viên EU. Điều này được đánh giá sẽ có tác động tích cực đối với các doanh nghiệp thủy sản.
Theo báo cáo phân tích mới đây của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), sau khi EVFTA kí kết, việc giảm thuế xuất nhập khẩu sẽ đem lại ích lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm.
EU hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai của Việt Nam, chiếm trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỉ trọng xuất khẩu; cá tra chiếm 11% và 30 - 35% các mặt hàng hải sản khác.
Các sản phẩm hải sản (hàu, điệp, mực...) sẽ được giảm ngay về 0% từ mức 20%. Mực, bạch tuộc đông lạnh đang chịu có mức thuế 6 - 8% sẽ giảm ngay về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%...
Bên cạnh lợi ích về thuế và nâng cao năng lực cạnh tranh, BSC cũng cho rằng việc kí kết Hiệp định sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tập trung nâng cao và cải thiện các yếu tố về xuất xứ, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, vệ sinh an toàn để đáp ứng các quy định khắt khe.
EVFTA có thể không tạo ra cho doanh nghiệp cá tra nhiều ảnh hưởng đột biến
Đối với cá tra, theo thống kê của VASEP, tính đến nửa đầu tháng 5, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 105,2 triệu USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi EVFTA được kí kết, các sản phẩm cá tra hiện đang chịu mức thuế 9% sẽ được giảm về 0% với lộ trình 3 năm.
Nguồn: TTXVN.
Với thuế cơ bản hiện tại ở mức thấp, cùng với thời gian giảm về 0% khá dài, BSC cho rằng tác động của việc giảm thuế trong mỗi năm không tạo ra ảnh hưởng đột biến.
Tuy nhiên xét về mặt tâm lý, điều này có thể giúp các doanh nghiệp cá tra có thêm nhiều lựa chọn về thị trường xuất khẩu, qua đó cải thiện giá trị xuất khẩu sang EU.
Vĩnh Hoàn
Trong đó, BSC dự báo CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) sẽ được hưởng lợi một phần nhỏ nhờ việc kí kết EVFTA.
Tỉ trọng xuất khẩu của công ty tại thị trường EU là 6% (năm 2018), với các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng. Do tỉ trọng của EU thấp (Vĩnh Hoàn chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ 68% và Trung Quốc 11%), nên ảnh hưởng chung đến kết quả kinh doanh 2019 của Vĩnh Hoàn là không đáng kể.
Nam Việt
Đối với CTCP Nam Việt (Mã: NAV), BSC cho rằng doanh nghiệp này sẽ được hưởng lợi nhờ việc kí kết EVFTA.
Trong năm 2018, tỉ trọng xuất khẩu của công ty vào thị trường EU là 13%, đứng thứ 4 về tỉ trọng trong kim ngạch xuất khẩu.
Hiện tại, thị trường chính của Nam Việt vẫn là Trung Quốc 20%, Brazil 17% và Thái Lan 14%.
Hùng Vương
Riêng đối với Thủy sản Hùng Vương (Mã: HVG), với tình hình tài chính khó khăn hiện nay có thể khiến công ty khó tận dụng được lợi thế nhờ việc kí kết EVFTA.
Năm 2018, EU chiếm 17% tỉ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty. Thị trường chính của Hùng Vương vẫn là thị trường Mỹ (32%) và Trung Quốc (24%).
EU sẽ là thị trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tôm
Theo VASEP, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sắt tươi đông lạnh;…) vào EU sẽ về 0% từ mức hiện tại là 12,5%; thuế sản phẩm tôm về 0% từ 20% hiện tại.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Chia sẻ bên lề đại hội cổ đông 2019 sáng 29/6, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Minh Phú (Mã: MPC), cho rằng EU sẽ là thị trường thuận lợi nhất nhờ thông tin giảm thuế trong bối cảnh các thị trường tiêu thụ tôm khác đều đang giảm nhu cầu nhập khẩu.
Hiện tại, tỉ trọng xuất khẩu của Minh Phú vào EU là 11%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là Mỹ và Nhật.
Theo ông Quang, đến năm 2020, Tập đoàn sẽ nâng thị phần xuất khẩu thủy sản sang EU lên khoảng 15 - 16%, đặc biệt trong điều kiện xuất khẩu qua Mỹ không thuận lợi.
Nói về những khó khăn khi xuất khẩu thủy sản vào EU, đặc biệt là mặt hàng tôm, theo ông Quang, các khách hàng EU yêu cầu tỉ lệ mạ băng trên sản phẩm rất cao, khoảng 20 - 30%.
Hiện nay, chưa có quy chuẩn rõ ràng, cụ thể trong vấn đề này, chỉ có một số nước như Anh, Đức, Hà Lan… có yêu cầu ghi rõ ràng tỉ lệ mạ băng trên bao bì sản phẩm.