Cá tra Việt liệu có 'bơi' về đích 2,5 tỉ USD trong năm 2019?
Tiêu thụ cá tra chững lại tại Mỹ và Trung Quốc nửa đầu năm
Hội nghị Tổng kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của ngành nông nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Nguyễn Ngọc Oai cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra đạt 991 triệu USD, giảm 1,2% so với cùng kì năm ngoái.
Năm nay, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu cá tra đạt hơn 2,5 tỉ USD. Như vậy, kết quả trên xuất khẩu cá tra mới chỉ đạt khoảng 39,1% kế hoạch năm.
Trao đổi với người viết, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết lượng tiêu thụ ở nước ngoài bị chững lại trong nửa đầu năm, đặc biệt là thị trường Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, lượng tiêu thụ ở trong nước chỉ chiếm chưa đầy 10%.
Ông Quốc cho biết thêm thông thường hàng năm, lượng tiêu thụ cá tra sẽ bắt bắt đầu tăng mạnh vào cuối năm (cụ thể là tháng 11) nhằm phục vụ nhu cầu ăn uống dịp Noel và lễ Tết.
Diện tích nuôi cá tra 6 tháng đầu năm nay đạt 3.900 ha, tăng 6,8% cùng kì 2018 và đạt 72,2% kế hoạch năm 2019. Sản lượng thu hoạch đạt 684.000 tấn, tăng 7,5% so với cùng kì 2018 và đạt 45,2% kế hoạch năm.
Trong giai đoạn này, cả nước có 230 cơ sở sản xuất giống cá tra với diện tích gần 3.000 ha. Các cơ sở này sản xuất được hơn 1,5 tỉ cá tra giống. Tuy nhiên, giá cá tra giống giảm khoảng 30% so với cùng kì năm ngoái.
Nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ mạ băng lên đến 40%
Theo báo cáo phân tích ngành cá tra của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), khi giá xuất khẩu tốt thường xảy ra tình trạng nông dân đổ xô mở rộng diện tích nuôi cá tra giống, cá tra thương phẩm, chủ yếu thông qua chuyển đổi đất trồng lúa thành ao cá tra.
Hậu quả là tình trạng dư cung đột biến vào một thời điểm khiến giá bán cá nguyên liệu rớt mạnh, do các hộ nuôi mới không có hợp đồng cung cấp cho nhà máy chế biến để đảm bảo đầu ra.
Nhiều người chịu lỗ nặng và ngưng thả nuôi mới trong các vụ sau, kéo theo tình trạng thiếu hụt cá nguyên liệu cho chế biến. Nếu điều kiện xuất khẩu vào các thị trường vẫn thuận lợi, giá xuất khẩu sẽ tăng và vòng lẩn quẩn lặp lại.
Theo số liệu của Cục Xuất khẩu, tuần kết thúc ngày 19/6, giá cá tra nguyên liệu tại An Giang giao dịch ở mức 20.500 - 22.000 đồng/kg, giảm khoảng 7.500 - gần 10.000 đồng/kg so với cùng kì năm ngoái.
Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết chi phí nuôi cá tra là khoảng 21.000 - 22.000 đồng/kg. Như vậy, với mức giá trên người dân hòa vốn hoặc thậm chí lỗ 500 đồng/kg.
VDSC cho biết hầu hết cá tra xuất khẩu là hàng đông lạnh chế biến thô (phi lê, cắt khúc, cắt miếng) không khác nhau đáng kể về hàm lượng giá trị.
Các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng (hàng tẩm ướp, hàng nấu liền, ăn liền) và các sản phẩm giá trị gia tăng chế biến từ phụ phẩm của quá trình phi lê cá như surimi, collagen và gelatin lại rất ít do hạn chế về vốn đầu tư công nghệ sản xuất.
Trong khi các sản phẩm này đang rất được ưa chuộng tại các thị trường cao cấp như Mỹ, châu Âu và ngành dược mỹ phẩm, các doanh nghiệp lại đang để ngỏ một phân khúc sản phẩm có tiềm năng mang lại lợi nhuận rất cao.
Vì xuất khẩu sản phẩm thô là chủ yếu nên tình hình cạnh tranh về giá bán rất khốc liệt. Thủ thuật được nhiều doanh nghiệp sử dụng là tăng tỷ lệ mạ băng để giảm tỷ lệ thịt cá trên một kg thành phẩm nhằm giảm giá bán.
Tỉ lệ mạ băng tối đa đảm bảo chất lượng sản phẩm là 5%, theo khuyến nghị của Ủy ban Thực phẩm quốc tế (CODEX), nhưng nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ mạ băng lên đến 35 - 40%.
Hậu quả là uy tín của toàn ngành bị suy giảm và một vài thị trường cáo buộc Việt Nam bán phá giá, điển hình là thị trường Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá.
Doanh nghiệp tăng cường tạo sản phẩm cá tra giá trị gia tăng
Từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành định hướng phát triển rõ ràng và chặt chẽ cho ngành cá tra. Nghị định 36/2014 và Nghị định 55/2017 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra đưa ra một số tiêu chuẩn về điều kiện nuôi và chất lượng cá tra ở mức cao nhằm định hướng cho hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, hiện nay diện tích nuôi cá tra áp dụng VietGAP là 1.847 ha.
VDSC cho biết nhiều doanh nghiệp chế biến (điển hình là Vĩnh Hoàn, Nam Việt, IDI và Cửu Long An Giang) các năm gần đây đã đầu tư mạnh xây dựng chuỗi giá trị khép kín, tăng khả năng tự chủ con giống, thức ăn và nguyên liệu, hướng tới ổn định yếu tố đầu vào.
Ảnh minh họa
Về con giống, đề án sản xuất giống cá tra cấp quốc gia triển khai từ năm 2018 với sự tham gia của các nhà khoa học sẽ cung cấp nguồn giống chất lượng cao cho nhu cầu nuôi trồng của ngành. Đến năm 2020, đề án dự kiến đáp ứng 50%, đến năm 2025 đáp ứng 70% nhu cầu giống.
Về nguồn nguyên liệu, tuy không có thống kê chính thức nhưng qua trao đổi với nhiều doanh nghiệp, hiện nay có đến 70% diện tích nuôi cá tra của nông dân được các doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua nguyên liệu ở mức giá hợp lý đảm bảo có lãi cho người nuôi, tránh bị thương lái ép giá, từ đó giải quyết được tình trạng "được mùa mất giá".
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh (ban hành cuối năm 2017) đặt ra một chuẩn mực chung về hàm lượng mạ băng, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp sau một thời gian tích lũy vốn và công nghệ đã đầu tư nghiên cứu và sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng.
Điển hình là Vĩnh Hoàn với các sản phẩm cá tra ăn liền, nấu liền và collagen-gelatin được ưa chuộng ở Nhật, Mỹ và châu Âu.
Nam Việt với surimi và collagen sắp được tung ra thị trường. IDI đang nghiên cứu cá tra xông khói, cá tra đóng hộp và xúc xích cá tra.
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam dự báo tình hình vẫn tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, việc có đạt được mục tiêu xuất khẩu cá tra hay không rất khó đoán định.
Tuy nhiên, ông Quốc cho rằng nếu làm tốt khâu xúc tiến thương mại, các thị trường chính tiêu thụ cá tra trở lại thì vẫn có thể lạc quan đạt được mục tiêu mà ngành đặt ra từ đầu năm.