|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thuỷ sản tốn 40-70 triệu đồng công chứng giấy tờ

22:01 | 13/05/2017
Chia sẻ
Chi phí công chứng tăng 4-7 lần so với trước chỉ là một trong nhiều vướng mắc doanh nghiệp thuỷ sản gặp phải và kỳ vọng cơ quan quản lý sớm tháo gỡ.

Tại cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản với lãnh đạo các Bộ, ngành do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 13/5, ông Trương Đình Hoè - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) đã nêu nhiều bất cập trong lĩnh vực này.

Một ví dụ là việc trước đây, doanh nghiệp chỉ phải trả phí công chứng khoảng 10 triệu đồng khi làm thủ tục hồ sơ vay vốn tại ngân hàng, song thời gian gần đây, phí công chứng này đã tăng gấp 4, gây thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Phản hồi thông tin này, đại diện Bộ Tư pháp cho hay, mức phí công chứng mới theo Thông tư 258 của Bộ Tài chính được áp dụng từ đầu năm 2016. Mức phí chứng thực giấy tờ tối đa mà doanh nghiệp phải trả theo khung mới là 70 triệu đồng, so với mức khống chế trước đây chỉ 10 triệu đồng. Khoản vốn vay của doanh nghiệp càng lớn, phí công chứng càng nhiều. Vị này khẳng định, khi phối hợp với Bộ Tài chính làm Thông tư 258, Bộ Tư pháp đã tính toán, cân nhắc kỹ các khoản phí phù hợp chi phí doanh nghiệp bỏ ra.

doanh nghiep thuy san ton 40 70 trieu dong cong chung giay to

Đại diện Hiệp hội, các doanh nghiệp lĩnh vực thuỷ sản tham gia buổi đối thoại với Bộ, ngành ngày 13/5. Ảnh: VGP

Dẫn ví dụ về trường hợp phí công chứng để doanh nghiệp thế chấp tài sản khi vay vốn, vị này giải thích, công chứng không đơn thuần theo cách hiểu thông thường là chỉ đóng dấu, ký... mà còn phải kiểm tra, rà soát xem tài sản đã cầm cố thế chấp ở đâu, chủ sở hữu là ai...

"Việc xác định thông tin liên quan tới đất đai, bất động sản khá phức tạp, khó khăn nên cần có chi phí lớn để xác minh", đại diện Bộ Tư pháp phản hồi.

Ghi nhận nỗ lực rút ngắn thời gian thủ tục hành chính từ các Bộ, song đại diện các doanh nghiệp cho rằng vẫn chưa đủ so với nhịp độ thay đổi, phát triển của thị trường.

"Chúng tôi mong các cơ quan quản lý rà soát, sắp xếp lại để rút ngắn thêm nữa thời gian ở khâu thủ tục này", ông Hoè tha thiết.

Nêu trường hợp cụ thể ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Vasep cho hay, theo quy định tại Nghị định 38/2012 về công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, thời hạn nhận chứng nhận công bố là 15 ngày từ ngày doanh nghiệp nộp hồ sơ. Song tới hạn 15 ngày doanh nghiệp lên nhận giấy chứng nhận thì mới được thông báo hồ sơ không đạt, trả về bổ sung... "Điều này gây khá phiền toái cho doanh nghiệp khi tốn thời gian đi lại, chi phí", ông Nam nói, đồng thời kiến nghị sửa quy định thời gian trên xuống còn 3 ngày, có tiêu chí cụ thể để quá trình thực thi không tắc nghẽn.

Đáp lại, ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế lại cho rằng quy định trong vòng 15 ngày mới trả lời doanh nghiệp về công bố hợp quy an toàn thực phẩm là hợp lý, vì cần thời gian thẩm định, kiểm tra, đối chiếu...

Trực tiếp lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp và đại diện Bộ Y tế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cơ quan quản lý cần rà soát, sửa lại quy định theo hướng kiểm tra hồ sơ ngay từ đầu, chỗ nào chưa đạt yêu cầu doanh nghiệp bổ sung ngay, tránh kéo dài thời gian thủ tục.

"Làm sao để nhận hồ sơ phải kiểm tra ngay, không để tình trạng sát đến ngày mới thông báo cho doanh nghiệp, người dân bổ sung, làm lại", Phó thủ tướng yêu cầu.

Nhấn mạnh lại lần nữa tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là xây dựng Chính phủ hành động, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, song Phó thủ tướng cũng tỏ ra chưa hài lòng khi thực tế kiểm tra, nhiều đầu việc các Bộ, ngành báo cáo đã hoàn thành, song thực chất mới có văn bản trả lời nhưng nội dung thì rất nhiều vấn đề doanh nghiệp không thông, tiếp tục kiến nghị.

"Nếu kê số cuộc họp, số văn bản thì thấy làm nhiều, nhưng doanh nghiệp, xã hội cần vấn đề được tháo gỡ thế nào chứ không chỉ cần văn bản", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư thường xuyên có những cuộc đối thoại thẳng thắn giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp theo nhóm vấn đề, trên tinh thần xây dựng và cởi mở. "Thông điệp là doanh nghiệp không nên ngại, nếu có vướng mắc thì cứ mạnh dạn kiến nghị", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Anh Minh