|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

EVFTA - Động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam

21:48 | 13/02/2020
Chia sẻ
Ngay sau khi Nghị viện châu Âu phê bỏ phiếu chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Bộ Công Thương cho biết, khả năng hiệp định này đi vào hiệu lực là rất nhanh. Nếu mọi chuyện thuận lợi, Quốc hội sẽ phê chuẩn vào tháng 5 và hiệp định EVFTA có thể đi vào hiệu lực vào tháng 7.

Cơ hội từ thị trường xuất siêu lớn thứ 2 sau Mỹ

Báo cáo "EVFTA - Động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam" vừa phát hành chiều 13/2, các nhà phân tích đến từ Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect kì vọng EVFTA sẽ mang lại nhiều lợi thế cho hàng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường EU -  thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ trong năm 2019.

Theo cam kết của EVFTA, EU sẽ xóa bỏ 85,6% số dòng thuế đối với hàng hóa Việt Nam, tương ứng với 70,3% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Hiện tại, chỉ có hơn 42% giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế suất 0% theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% các dòng thuế, tương đương 99,7% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đối với các mặt hàng còn lại, EU cam kết cung cấp cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu bằng 0%.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU (28 nước, bao gồm cả Vương quốc Anh) đạt 56,4 tỉ USD trong năm 2019. Riêng Việt Nam xuất siêu đến 26,6 tỉ USD vào thị trường này.

Theo đó, việc giảm thuế đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn so với các đối thủ khác như Trung Quốc và các nước ASEAN.

Xuất khẩu sang EU được dự báo tăng 42,7% vào năm 2025 so với trường hợp không có EVFTA

VNDirect trích nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nếu EVFTA có hiệu lực trong năm 2019, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể tăng khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,4% vào năm 2030 so với kịch bản không có EVFTA. Đồng thời, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng sẽ tăng nhưng với tốc độ chậm hơn.

Cụ thể, giá trị nhập khẩu từ EU có thể tăng xấp xỉ 15,3% vào năm 2020; 33,1% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030 so với trường hợp không có EVFTA. EVFTA có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2,2-3,3% (trong giai đoạn 2019-2023); tăng 4,6-5,3% (trong giai đoạn 2024-2028) và tăng 7,1-7,7% (trong giai đoạn 2029-2033) so với trường hợp không có EVFTA.

Mặt khác, Việt Nam cũng sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu từ EU.  Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% số dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu từ EU ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, tương đương 64,5% tổng giá trị nhập khẩu từ EU. 

Trong vòng 10 năm từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ hơn 98,3% số dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của EU, tương đương 99,8% tổng giá trị nhập khẩu từ EU. Điều này sẽ khiến một số lĩnh vực trong nước sẽ bị thiệt hại bởi cạnh tranh. 

Song, EVFTA cũng dự báo sẽ mang lại làn gió mới cho các doanh nghiệp trong nước phát triển. Theo VNDirect, dù EU hiện là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ tư của Việt Nam nhưng xuất khẩu của EU sang Việt Nam chủ yếu bao gồm máy móc, hóa chất và thiết bị vận tải. Đây đều là những mặt hàng cần thiết cho sự chuyển đổi mô hình phát triển và hiện đại hóa của nền kinh tế Việt Nam.

VNDrect đánh giá, việc giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với máy móc, thiết bị chất lượng cao và công nghệ mới từ châu Âu với giá thấp hơn. 

"Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ cao, từ đó mở ra cơ hội tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu", VNDrect phân tích.

Song song đó, sự thâm nhập của hàng hóa châu Âu vào Việt Nam cũng được dự báo sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh buộc các nhà sản xuất trong nước phải cắt giảm chi phí sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm để cạnh tranh. 

"Do đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ là bên được hưởng lợi lớn nhất", VNDrect nhận định.

Hoàng Trung