Cơ hội kinh doanh F&B bùng nổ ở Việt Nam, nhưng người khởi nghiệp vẫn có thể thất bại nếu không làm đúng cách
Cơ hội và thách thức của ngành F&B
Phát biểu trong buổi giới thiệu Triển lãm quốc tế lần thứ 10 về cung ứng thiết bị và dịch vụ trong ngành thực phẩm & đồ uống, thiết bị làm bánh, nhà hàng tại TP Hồ Chí Minh hôm 28/3, ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty UBM VES, nhận định ngành ẩm thực, đồ uống và khách sạn đang chịu lực đẩy phát triển lớn từ nhu cầu du lịch nội địa, du lịch quốc tế và làn sóng đầu tư cao tại Việt Nam.
Đồng quan điểm, bà Châu Tiểu Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư trang thiết bị Ánh Dương (Sunshine Equipment) cũng cho rằng, ngành ẩm thực và đồ uống ở Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và cơ hội, đặc biệt từ làn sóng đầu tư nước ngoài: "Các nhà đầu tư đến Việt Nam đều nghĩ nơi đây sẽ mang lại cơ hội đầu tư tốt cho họ. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt lại có cơ hội thử sức ở những sản phẩm mới trước bối cảnh thị trường F&B đang khá mở như hiện nay"
Bà Ngọc dự đoán xu hướng ngành F&B của Việt Nam trong vòng 2 năm tới sẽ là những món ăn Việt thuần túy, mang hơi hướng trang trí của châu Âu, Nhật Bản: "Hiện nay, rất nhiều người Nhật khởi nghiệp tại Việt Nam với phong cách ẩm thực Việt, là thực phẩm của Nhật nhưng xuất xứ từ Việt Nam và được người Việt đón nhận".
Xu hướng ngành F&B của Việt Nam trong vòng 2 năm tới sẽ là những món ăn Việt thuần túy, theo dự đoán của bà Châu Tiểu Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư trang thiết bị Ánh Dương. Ảnh: Như Huỳnh
Tuy nhiên, Giám đốc Sunshine Equipment cũng thừa nhận, ngành thực phẩm, đồ uống của Việt Nam đang bị cạnh tranh khá khốc liệt bởi chính các đơn vị nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, nội tại của ngành này cũng gặp không ít khó khăn, cụ thể là khó khăn về nhân sự và cách suy nghĩ đúng ở giai đoạn sơ khai ban đầu.
Bà Ngọc chỉ ra rằng, hiện nay có rất nhiều người tham gia lĩnh vực F&B trong tâm thái thích là làm, không theo một quy trình bài bản hay bước đầu nghiên cứu, phân tích kỹ càng nên dù rất nhanh, nói là bắt tay vào làm ngay nhưng khi làm rất dễ gặp lỗ hổng khiến họ sẽ phải quay ngược lại.
"Bên cạnh đó, hiện tốc độ mở nhà hàng ở Việt Nam rất cao khiến nguồn nhân lực của ngành trở nên khan hiếm. Trước đây, khi doanh nghiệp F&B tuyển dụng, doanh nghiệp thường yêu cầu nhiều tiêu chuẩn, kiểm tra nhiều thông tin. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp phản ánh, hiện nay doanh nghiệp chỉ cần tuyển đủ số lượng", bà Ngọc nhấn mạnh.
Còn theo ông BT Tee, trong ngành F&B có một thực tế là vấn đề bảo vệ môi trường sống cần nâng cao. Thay vì sử dụng quá nhiều các loại nhựa, giới kinh doanh nên khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nhựa vi sinh học hoặc hạn chế đồ dùng bằng nhựa.
Ông chia sẻ, cách đây 20 năm khi ông đến vịnh Hạ Long, nước rất trong và sạch, nhưng hiện tại nước chứa rất nhiều rác. Theo ông, ẩm thực là ngành công nghiệp đi sau, liên quan mật thiết với du lịch, nên nếu tình trạng này còn diễn ra thì du khách sẽ không trở lại và vô tình ảnh hưởng đến ngành F&B.
"Nhựa không thể một sớm, một chiều biến khỏi cuộc sống của chúng ta nhưng ít nhất giảm tiêu dùng và tái chế nó thì không chỉ cải thiện giá trị cuộc sống của bản thân mà còn cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam", ông BT Tee nhấn mạnh.
Cần làm đúng cách khi kinh doanh F&B
Đó là nhận định của bà Châu Tiểu Ngọc khi cho rằng giới trẻ hiện nay đua nhau khởi nghiệp ở ngành thực phẩm, đồ uống.
Nữ giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư trang thiết bị Ánh Dương nói hiện nay giới trẻ rất thích khởi nghiệp với việc bán trà sữa vì nghĩ rằng kinh doanh trà sữa sẽ lợi nhuận cao và không lo vắng khách.
"Rất nhiều bạn trẻ nghỉ làm để đi bán trà sữa. Nhưng tại sao cũng là loại hình đồ uống thay vì làm những cái đã quá nổi rồi mình lại không theo hướng các nước uống căn bản như rau má, đậu nành?", bà Ngọc đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, theo bà Ngọc, ở Việt Nam hiện nay không thiếu những sản phẩm độc, lạ, nên điều quan trọng nhất khi khởi nghiệp ở lĩnh vực F&B là phải chọn đúng sản phẩm muốn đưa đến tay người tiêu dùng, không nên bắt chước hay sao chép mô hình có sẵn và đang thành công.
"Tôi không phản đối các bạn trẻ kinh doanh riêng nhưng chỉ khuyên các bạn đừng nên làm cái người khác đã làm rồi và họ đã làm rất tốt. Tại sao các bạn không nghĩ ra cái gì khác mới lạ hơn", bà Châu Tiểu Ngọc nói
Ngành F&B càng phát triển sẽ càng thu hút giới trẻ khởi nghiệp, nhưng phải đúng cách. Ảnh: Như Huỳnh
Bà Ngọc cho rằng, để khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ cần phải thật sự khác biệt về bài trí, chất lượng, và cả dịch vụ. Đặc biệt, họ phải xác định ngân sách dự định khi khởi nghiệp là ở mức nào để thực hiện những kế hoạch phù hợp với khả năng tài chính.
"Với các bạn trẻ khởi nghiệp, tôi khuyên nên bắt đầu từ những bước đầu chắc chắn, từng bước một, chậm mà chắc. Mặc dù cơ hội của ngành F&B còn rất nhiều nhưng phải làm cho đúng cách", bà Ngọc nhắn nhủ.
F&B là viết tắt của cụm từ Food and Beverage Service, là ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu du lịch và quầy ăn uống.
Triển lãm Food & Hotel Vietnam là một trong những sự kiện hàng đầu giúp các doanh nghiệp trong ngành cập nhật xu hướng, sự tiến bộ và phát triển của ngành thực phẩm và nhà hàng tại nhiều nước trên thế giới.
Là năm thứ 10 đồng hành cùng doanh nghiệp, triển lãm Food & Hotel Vietnam 2019 sẽ diễn ra từ ngày 24-26/4 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay lên đến 13.000 mét vuông tại trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC, quận 7, TP HCM).
Năm nay, triển lãm sẽ quy tụ sự tham gia của 630 đơn vị triển lãm đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung trưng bày các sản phẩm, bao gồm: thực phẩm, đồ uống, nước giải khát, thiết bị làm bánh kẹo, thiết bị pha chế…