|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khởi nghiệp cùng Logistics: Hấp dẫn nhưng không dễ dàng

07:48 | 25/03/2019
Chia sẻ
Các chủ doanh nghiệp giao vận nhất trí rằng, trong bối cảnh công nghệ kết nối phát triển như hiện nay, chỉ cần một điện thoại thông minh, một máy tính, bất kỳ ai cũng có thể khởi nghiệp cùng logistics.

Công nghệ giúp công ty khởi nghiệp tạo đột phá

"Khởi nghiệp cùng logistics" là chủ đề của buổi tọa đàm do Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương phối hợp với Mạng lưới Đào tạo Logistics Việt Nam tổ chức tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, TP HCM hôm 23/3. 

Logistics (giao vận) là ngành cung cấp các dịch vụ liên quan tới vận tải biển, đường hàng không, đường bộ và quản lý các hàng hoá khai báo hải quan hay cung cấp dịch vụ cho khách hàng, phục vụ chuỗi cung ứng cho ngành hàng bán lẻ. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - cho rằng, logistics đang có vai trò quan trọng trong nền kinh tế với tiềm năng phát triển rất lớn và là mảnh đất màu mỡ để các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực kết nối trung gian tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Giám đốc của nhiều doanh nghiệp ngành Logistics nhận định, sự phát triển chóng mặt của thương mại điện tử hiện nay khiến thói quen tiêu dùng thay đổi từ mua bán truyền thống sang mua hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, xu thế toàn cầu hóa kinh tế, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, xử lý dữ liệu lớn phát triển mạnh mẽ đang mở ra những cơ hội rất lớn cho ngành logistics đột phá phát triển, tạo ra những giá trị gia tăng lớn. 

Ông Vũ Đức Thịnh, giám đốc LEL Express, phân tích: "Khi chúng ta muốn công việc vận hành hiệu quả, số lượng lớn, chúng ta phải ứng dụng công nghệ. Ví dụ, nếu một người xử lý khoảng 100 - 200 đơn hàng/giờ thì việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp tăng khối lượng đơn hàng lên vài trăm nghìn/giờ"

Khởi nghiệp cùng Logistics: Hấp dẫn nhưng không dễ dàng - Ảnh 1.

CEO của các doanh nghiệp logistics chia sẻ kinh nghiệp khởi nghiệp thành công. Ảnh: Như Huỳnh

Công nghệ thông tin, AI hay trí tuệ nhân tạo sẽ giúp chúng ta kiểm soát hàng hóa, chia chọn hàng hóa tốt hơn dựa trên mã hóa, giảm thiểu công đoạn thủ công và giúp khách hàng theo dõi đơn hàng từ lúc giao đến nhận hàng, ông Thịnh nói thêm.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo thành công là không hề đơn giản. Bà Lê Anh Thiên Thư, giám đốc Loglag, chia sẻ: "Nếu Uber, Grab vào Việt Nam tạo nên cách mạng trong vận tải hành khách thì vận tải hàng hóa phức tạp hơn trăm ngàn lần"

Theo bà Thư, sau mỗi chuyến hàng, vấn đề doanh nghiệp phải xử lý là trách nhiệm hàng hóa, giải quyết khiếu nại, thanh toán. Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ cho vận tải hàng hóa là hoàn toàn mới tại Việt Nam, nhận định của chủ xe, tài xế về việc ứng dụng công nghệ lại không cởi mở vì họ cho rằng công nghệ sẽ khiến họ thiệt thòi.

Niềm tin khách hàng là yếu tố quan trọng để khởi nghiệp thành công

Là công ty logistics tiên phong phát triển trên nền tảng công nghệ, giải pháp mà CEO Loglag đưa ra là: "Xác định mục tiêu, chúng ta phải nhận định khách hàng là người mà doanh nghiệp dành công sức giới thiệu, quảng bá sản phẩm trước và khi có khách hàng, doanh nghiệp sẽ tự có cách thu hút chủ xe, tài xế".

Bà Thư chia sẻ, mặc dù công ty Loglag muốn tạo cuộc cách mạng trong vận tải hàng hóa nhưng thực tế công ty vẫn ưu tiên sử dụng 80% công suất cho công việc kết nối, chăm sóc chuyến hàng, chủ hàng, chủ xe, tài xế. "Công nghệ hóa phải theo lộ trình 3-4 năm để vừa cải tiến sản phẩm vừa thay đổi thói quen của người dùng trước khi tiến tới số hóa 100% trong thời gian tới, bởi chúng ta khó thể thay đổi thói quen người dùng Việt Nam một cách nhanh chóng", giám đốc Loglag nhận định.

Bên cạnh đó, theo các CEO, một vấn đề rủi ro khác mà công ty khởi nghiệp về vận tải hàng hóa có thể gặp phải đó là trách trách nhiệm đối với hàng hóa và khách hàng. Ông Phạm Tấn Đạt, giám đốc Sàn vận chuyển Fado Việt Nam, phát biểu: "Để tránh rủi ro này, các thành phần tham gia vào sàn giao dịch cần ký kết hợp đồng điện tử về điều khoản tham gia sàn, chấp nhận giao dịch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần minh bạch hóa quá trình, thông tin để giảm thiểu những rủi ro không mong muốn khác cho tất cả các bên khi giao dịch".

Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ vào quá trình giám sát hành trình, bàn giao hàng hóa cùng là giải pháp giúp các giao dịch khả thi và hiệu quả hơn, ông Đạt nhận định.

Khởi nghiệp cùng Logistics: Hấp dẫn nhưng không dễ dàng - Ảnh 2.

Nhiều câu hỏi băn khoăn về thuận lơi, khó khăn khi khởi nghiệp ngành logistics được các bạn trẻ đặt ra cho các diễn giả. Ảnh: Như Huỳnh

Khởi nghiệp từ năm 2011, bà Nguyễn Thị Thúy Trinh, giám đốc PT Transport Logistics chia sẻ câu chuyện thực tế bà đã trải qua: "Ngày đầu khởi nghiệp, tôi không nghĩ khách hàng có thể tin tưởng giao lô hàng hàng tỉ đồng cho chúng tôi vận chuyển khi chúng tôi chỉ là công ty dịch vụ và niềm tin muốn hoàn thành tốt giao dịch cho khách hàng".

Theo bà Trinh, đối với các công ty khởi nghiệp, ngoài đam mê và mong muốn giúp khách hàng hoàn thành chuyến vận chuyển tiết kiệm, kinh tế, an toàn, hiệu quả, các công ty khi khởi nghiệp cần "khởi động" sự tự tin để thuyết phục khách hàng. Sự tự tin không chỉ mang lại hiệu quả cho cuộc giao dịch mà còn tạo nên thương hiệu cho chính công ty.

' Doanh nghiệp có thể gọi vốn từ nhà đầu tư, học kinh nghiệm từ người đi trước hay sách vở nhưng niềm tin truyền đến khách hàng là yếu tố quan trọng không thể thiếu mà người khởi nghiệp cần phải tự có để khởi nghiệp thành công", bà Trinh đúc kết.

Campuchia xuất hiện khoản đầu tư khởi nghiệp lớn nhất từ trước đến nayCampuchia xuất hiện khoản đầu tư khởi nghiệp lớn nhất từ trước đến nay Thử thách khắc nghiệt trong hành trình khởi nghiệp, đâu là cách startup vượt qua? Thử thách khắc nghiệt trong hành trình khởi nghiệp, đâu là cách startup vượt qua? Tookitak - Startup công nghệ Singapore gọi vốn 7,5 triệu USDTookitak - Startup công nghệ Singapore gọi vốn 7,5 triệu USD

Như Huỳnh