|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thử thách khắc nghiệt trong hành trình khởi nghiệp, đâu là cách startup vượt qua?

14:55 | 15/03/2019
Chia sẻ
Hoạt động khởi nghiệp đang phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Tuy nhiên, rất nhiều startup không thể có cơ hội kỷ niệm sinh nhật lần thứ 2 của mình. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân quan trọng chính bởi yếu tố con người.

Đâu là khó khăn mà startup Việt đang phải đương đầu?

Được biết đến là CEO gọi vốn bị từ chối hơn 100 lần, bà Phạm Lan Khanh, nhà sáng lập FreelancerViet.vn và là người đã nhận giải Founder of The Year của Vietnam Rice Bowl Startup Awards năm 2017, chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của riêng mình.

"Vào năm 2013, khi FreelancerViet.vn ra đời, nền tảng kết nối các freelancer (người làm việc tự do) và doanh nghiệp trên thế giới đã xuất hiện được hơn 10 năm. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, mô hình này hoàn toàn mới và nhiều người thậm chí còn không biết freelancer là gì", bà Khanh cho biết.

Khi đó, bà đã xây dựng một nền tảng giống như những trang web nổi tiếng trên thế giới nhưng đã thất bại. Lý giải nguyên nhân, bà cho biết, trên thế giới, khi doanh nghiệp chọn một freelancer nào đó thì họ sẽ thanh toán qua nền tảng và nền tảng đó sẽ thu phí giao dịch. Nhưng tại Việt Nam thời điểm đó, người tiêu dùng lại không thích trả phí cho bên thứ ba.

Thử thách khắc nghiệt trong hành trình khởi nghiệp, đâu là cách startup vượt qua?  - Ảnh 1.

Các chuyên gia khởi nghiệp chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của riêng mình. Ảnh: Như Huỳnh

"Ví dụ khi giao dịch mua bán nhà đất, nhiều người thường cảm thấy không vui khi phải trả phí cho "cò" (bên thứ 3). Do đó, tôi đã phải xây dựng một mô hình mới, theo đó nền tảng sẽ thu phí trước thay vì đợi doanh nghiệp và freelancer giao dịch xong rồi mới thu phí. Việc xây dựng một nền tảng mới đã tốn rất nhiều thời gian và đây chính là bài học thương đau khi khởi nghiệp do mình không am hiểu nhu cầu thị trường", bà Khanh nói.

Một thất bại khác được bà Khanh chia sẻ chính là việc phát triển ứng dụng trên điện thoại di động dành cho các freelancer. Nguyên nhân là có tới 85% freelancer hoạt động trên nền tảng FreelancerViet.vn chỉ làm việc trên laptop chứ không làm việc trên điện thoại, việc tương tác trên điện thoại chỉ là để nhận tin tức.

Không chỉ vậy, CEO Phạm Lan Khanh còn cho rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ còn phải đối mặt với một vấn đề đau đầu, chính là làm thế nào để cạnh tranh với sản phẩm của các doanh nghiệp lớn khi nguồn tài chính hạn hẹp.  

"Khi bắt tay vào khởi nghiệp, tôi đã xây dựng một cộng đồng freelancer trên facebook và tổ chức các sự kiện định kỳ 2 tháng/lần, chia sẻ các kỹ năng, kinh nghiệm… giúp kỹ năng làm việc và khả năng tìm kiếm khách hàng của freelancer được cải thiện, giải quyết những vấn đề khó khăn mà freelancer gặp phải", nhà sáng lập FreelancerViet.vn nói về kinh nghiệm của mình.

Yếu tố con người trong startup

Ở góc nhìn khác, ông Lâm Hữu Khánh Phương, Nhà sáng lập Vườn ươm khởi nghiệp Uni Incubator cho rằng, khó khăn lớn đối với các startup là yếu tố đến từ con người. 

"Việc giữ chân nhân sự cũng là một trong những "nỗi đau" của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Tình trạng doanh nghiệp nước ngoài hút nhân sự của doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp lớn hút nhân sự của doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp nhỏ hút nhân sự của doanh nghiệp mới thành lập… khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp phải loay hoay tìm nguồn cung nhân sự trong khi điều kiện tài chính hạn hẹp".

Trong bối cảnh các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp vô vàn khó khăn về sản phẩm, thị trường và bào toán giữ được nhân sự giỏi, thực tế, rất nhiều startup trẻ vẫn băn khoăn với vấn đề: "Liệu có nên tuyển người giỏi, nhiều kinh nghiệm nhưng chi phí bỏ ra rất cao hay nên chọn nhân sự mới, nhiệt huyết rồi về đào tạo?", CEO một starup về giáo dục đặt vấn đề với các chuyên gia.

Cách startup vượt qua "nỗi đau" để sống sót

Tìm kiếm giải pháp vượt qua "nỗi đau" về nhân sự cho startup, TS.LS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, cho rằng doanh nghiệp phải đặt ra mục tiêu cụ thể khi quyết định tuyển dụng nhân sự chất lượng cao cho một doanh nghiệp khởi nghiệp để đảm bảo kết quả thu về hiệu quả.

"Tại sao các ngân hàng sẵn sàng trả cho CEO 500 trăm triệu đồng/tháng mà chỉ trả cho nhân sự bình thường mức lương 6 triệu/tháng? Nên nhớ nhân sự chất lượng cao thì khoản chi phí bỏ ra không nhỏ. Còn nếu tuyển nhân sự bình thường thì chắc chắn sẽ không có ngay hiệu quả như mong muốn".

Ông Tín nhận định, nhân sự chất lượng cao không hẳn là tốt đối với doanh nghiệp, quan trọng là startup cần tìm được nhân sự phù hợp với vị trí công việc, môi trường, văn hóa doanh nghiệp và đặc biệt phải phù hợp với từng thời điểm.

Yếu tố sản phẩm

Nữ CEO của FreelancerViet.vn, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cần phải có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người dùng. 

Tuy nhiên, khi khách hàng đã biết đến sản phẩm rồi, thì vấn đề đau đầu tiếp theo là họ có trả tiền hay không để khai thác được doanh thu bán hàng trên sản phẩm đó. Cuối cùng, làm thế nào để các nhà đầu tư tìm đến sản phẩm và ngỏ lời đầu tư.

Bà Khanh chia sẻ rằng: "Để tạo sản phẩm tốt đáp ứng người tiêu dùng thì phải hiểu người tiêu dùng muốn gì. Muốn hiểu được thì bắt buộc các startup phải nghiên cứu thị trường, mặc dù là nhỏ thôi nhưng giúp các startup hiểu được những mong muốn của khách hàng".

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên xây dựng một cộng đồng cho riêng mình, để từ đó có những phản hồi về sản phẩm như sản phẩm tung ra thị trường có tốt hay không, có điểm gì đặc biệt, có khiến khách hàng hài lòng hoặc chưa hài lòng, cần cải thiện gì…, bà Khanh phân tích.

Việc khách hàng mua một sản phẩm của chúng ta đã là khó khăn, nhưng làm thế nào để khách hàng quay lại lại là vấn đề khó khăn hơn. Do đó, công đoạn cuối cùng chính là doanh nghiệp phải làm marketing cho sản phẩm của mình. 

"Hiện nay marketing online là kênh hiệu quả và khá ít tốn kém cho các startup nhỏ. Vậy nên nghiên cứu marketing online với các startup nhỏ không phải dễ nhưng cũng không quá khó khăn để chinh phục", CEO Phạm Lan Khanh nhấn mạnh.

Như Huỳnh