|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những nữ CEO startup gốc Việt thành danh ở Mỹ

07:20 | 08/03/2019
Chia sẻ
Tin tức kinh doanh, doanh nhân & doanh nghiệp, kinh nghiệm, phân tích kinh doanh, chứng khoán, bất động sản, lãi suất ngân hàng.

Quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups mới đây cho biết số vốn rót cho những startups được sáng lập bởi nữ trên toàn cầu vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp. Năm 2017, theo Fast Company, chỉ có "2% vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm đổ vào các startup có nhà sáng lập nữ". Tại Việt Nam, phụ nữ "quản lý 31,3% số lượng doanh nghiệp" và "giữ 25% số chức CEO hoặc hội đồng quản trị", theo The Mastercard Index of Women Entrepreneurs 2018".

"Chúng tôi chú trọng sứ mệnh tìm kiếm và hỗ trợ những nhà sáng lập nữ. Quỹ tin vào tiềm năng chưa được đầu tư đúng mức của những doanh nhân nữ. Đó là khả năng xây dựng văn hóa hiện đại, đa dạng hóa đội ngũ nhân lực và phát triển những startup thành công", đại diện 500 Startup cho biết.

Theo đó, ứng dụng học tiếng anh áp dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo ELSA của Văn Đinh Hồng Vũ, Copper Cow Coffee của Debbie Mullen và Littlefund của Mimi Chan đều là những khoản đầu tư của quỹ này. Đồng thời, những nhà sáng lập nữ của các startup trên đều nằm trong mạng lưới thuộc 500 Startups. 

Những nữ CEO startup gốc Việt thành danh ở Mỹ - Ảnh 1.

Từ phải qua, Debbie Mullen (Copper Cow Coffee), Vũ Văn (ELSA), Mimi Chan (Littlefund)Văn Đinh Hồng Vũ - Nhà đồng sáng lập ELSA

Cuối tháng 2, ELSA - ứng dụng học nói tiếng Anh chuẩn bản xứ với công nghệ Trí tuệ nhân tạo gọi vốn thành công 7 triệu USD trong vòng Series A tại thung lũng Silicon. Đến nay, ELSA huy động tổng cộng được 12 triệu đôla Mỹ

Được sáng lập vào năm 2016 bởi Văn Đinh Hồng Vũ, ELSA phát triển A.I. độc quyền trong lĩnh vực Nhận diện giọng nói (Speech Recognition) với công nghệ Học Sâu (Deep Learning) để giúp chỉnh phát âm của người học tiếng Anh. Ứng dụng hiện có 4 triệu lượt người dùng từ 101 quốc gia trên thế giới, 1/4 trong số đó đến từ Việt Nam.

Kể lại hành trình khởi nghiệp với ELSA, Văn Vũ, Nhà đồng sáng lập, tốt nghiệp Đại học Stanford với bằng MBA và bằng Thạc sĩ Giáo dục cho biết: "Bạn có thể cười khi biết tôi đã dành rất nhiều thời gian mỗi tối trước khi ngủ để tán gẫu với Siri. Tôi bắt đầu nghĩ liệu mình có thể làm điều gì ý nghĩa hơn với công nghệ như Siri và giúp mọi người học tiếng Anh".

Văn Vũ từng viết trên Facebook về chặng đường học tiếng Anh của mình, bao gồm một số khoảnh khắc đặc biệt khi học ngôn ngữ này lúc lớn lên, và việc giọng nói quan trọng như thế nào. Cô chú trọng tầm quan trọng của việc đem những cách nhìn mới đến Silicon Valley. Trong bài phỏng vấn với tạp chí Forbes, Văn nhận xét "Công ty tại Bay Area không để ý tới việc học ngôn ngữ, bởi vì họ hầu hết đều là người Mỹ".

Sinh ra tại miền Trung Việt Nam với bố mẹ làm nghề kinh doanh, Văn nói: "Từ lúc còn nhỏ, tôi đã biết mình cần chấp nhận rủi ro. Bố mẹ chúng tôi khen ngợi về nỗ lực và đam mê nhiều hơn là điểm số".

Debbie Mullin- Nhà sáng lập Copper Cow Coffee

"Khi bỏ công việc quản lý quốc tế tại World Bank để theo đuổi điều gì đó sáng tạo hơn, tôi biết mình cần phải giới thiệu hương vị Việt Nam đến ngôi nhà Mỹ", Mullin chia sẻ về nguồn gốc của thương hiệu cà phê Copper Cow Coffee do cô sáng lập.

Năm 2016, Mullin về TP HCM, quê hương của mẹ cô, để tìm nguồn cà phê Việt Nam hoàn toàn tự nhiên. Với mạng lưới từ MIT và World Bank, cô thực hiện mục tiêu hỗ trợ nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - đi tìm hạt cà phê tốt nhất, giàu mùi vị và có hương thơm của cà phê Việt Nam.

Những nữ CEO startup gốc Việt thành danh ở Mỹ - Ảnh 2.

Ảnh phải: Debbie đến thăm cánh đồng cà phê tại Đà Lạt, Việt Nam. Ảnh trái: Bà của Debbie tại Sài Gòn năm 1970.


Tại Demo Day của Batch 23 tại 500 Startups, Mullin cho biết Copper Cow Coffee là "hãng cà phê duy nhất do phụ nữ làm chủ và có mạng lưới phân phối toàn nước Mỹ".

Sản phẩm cà phê của hãng nhỏ gọn, có mặt tại coppercowcoffee.com cũng như trong những chuỗi bán lẻ như Williams-Sonoma, Cost Plus, HEB, và Macy's trên đất Mỹ.

Mimi Chan - Nhà sáng lập Littlefund

Trong buổi phỏng vấn phát sóng trực tiếp tại sàn giao dịch chứng khoán New York Stock Exchange, Mimi Chan chia sẻ: "Khi con gái tôi chào đời, chúng tôi nhận được rất nhiều quà tặng từ bạn bè và gia đình. Nhưng tôi cảm thấy áy náy. Hàng năm, 96% đồ chơi mà trẻ em được tặng, cũng như 80 triệu món đồ quần áo cho các bé bị thải ra và chôn lấp dưới đất".

Đây chính là lý do đằng sau Littlefund, một nền tảng mới cho phong cách trao tặng quà hiện đại cho trẻ em ra đời. Littlefund giúp các gia đình và bạn bè đóng góp cho những ước mơ và mục tiêu của con trẻ; bao gồm đại học, Disneyland, hay một chuyến thăm quan bảo tàng.

Trước khi "làm mẹ và giúp các gia đình cùng nhau tiết kiệm tốt hơn", Mimi là Nhà sáng lập và CEO của ứng dụng chia sẻ ảnh và thương mại điện tử Thread (được mua lại năm 2013). Cô cũng là thành viên sáng lập và COO của Pencils of Promise, tổ chức phi lợi nhuận giúp xây dựng 400 trường học trên thế giới.

Những nữ CEO startup gốc Việt thành danh ở Mỹ - Ảnh 3.

Mimi Chan trả lời phỏng vấn về nền tảng tặng quà và tiết kiệm Littlefund.


Mimi là một trong những ví dụ của những nhà kinh doanh nữ đang giải quyết vấn đề mà các đồng nghiệp nam thường không chú ý. Anu Duggal, Đối tác tại Female Founders Fund, nhận xét: "Là lãnh đạo, chúng tôi đã thấy những nhà sáng lập nữ xây dựng đội ngũ đa dạng về cả giới tính và quan điểm văn hóa. Rất nhiều người giải quyết những vấn đề họ trực tiếp đối mặt, với câu chuyện chân thực và gần gũi với khách hàng của họ"."Đam mê tạo lập những công ty có tác động thực sự của tôi đến từ tuổi thơ lớn lên là con gái của người nhập cư từ Việt Nam. Chúng tôi đi từ trại tị nạn ở Philippines tới Houston, Texas. Khi lớn lên, bố mẹ tôi nhấn mạnh ba điều với chị em tôi là Nhân quả, Giáo dục và Tiết kiệm. Họ tin rằng ghi nhớ và thực hành tốt ba thứ này sẽ dẫn đường đến thành công bất kể bạn xuất phát từ đâu", Mimi chia sẻ.

"Tôi có những giây phút nản lòng khi phải đối diện với những điều không công bằng, đặc biệt với tư cách một người phụ nữ trong ngành công nghệ tài chính, nhưng tôi học cách để đi tiếp", Mimi nói.

Cô khẳng định tầm quan trọng của mạng lưới: "Tôi tìm kiếm quanh mình những người ủng hộ và giúp đỡ. Tôi cũng lắng nghe những câu chuyện và quan điểm từ những cố vấn đồng trang lứa của mình. Cần nhiều thời gian và thay đổi về văn hóa để doanh nhân nữ cũng có những cơ hội và sự tin tưởng, đặc biệt là từ những nhà đầu tư. Dù vậy, điều đó đang xảy ra, tôi đang thấy những bước xoay chuyển khởi đầu".

Phương Nguyên