|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thị trường F&B: Cơ hội tăng trưởng và hút vốn

07:30 | 13/08/2018
Chia sẻ
Sự tăng trưởng vượt trội của ngành kinh doanh nhà hàng, quán cà phê (Food& Beverage - F&B) Việt Nam trong những năm gần đây chính là hấp lực khiến các doanh nghiệp (DN) không ngừng đầu tư vào lĩnh vực này. 
thi truong fb co hoi tang truong va hut von

Ngành F&B tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao

Cơn lốc tăng trưởng…

Theo thống kê của Dcorp R- Keeper Việt Nam (DN cung cấp giải pháp POS và hệ sinh thái công nghệ cho các DN F&B), cả nước hiện có đến 540.000 cửa hàng ăn uống, trong đó có khoảng 430.000 cửa hàng nhỏ, 7.000 nhà hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh, 22.000 cửa hàng cà phê, các quầy bar và trên 80.000 nhà hàng được đầu tư bài bản. Qua từng năm, con số này tăng lên một cách nhanh chóng và đáng kể.

Việt Nam được xếp vào một trong những nhóm nước có dân số trẻ, có xu hướng thích ăn ngoài, đã và đang trở thành thị trường lớn đầy tiềm năng cho ngành F&B. Điều này không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước mà cả các ông lớn nước ngoài.

Chứng minh cho điều này, theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm 20% và từ 2 năm trước đã đạt quy mô 282 triệu USD. Năm 2017 cũng ghi nhận tăng trưởng kỷ lục của thị trường này với sự bùng nổ hàng loạt thương hiệu quốc tế. Ding Tea là thương hiệu dẫn đầu với hơn 100 điểm bán; TocoToco với hơn 60 cửa hàng; Goky có gần 20 cửa hàng và chỉ tính riêng ở Hà Nội; Mr. Good Tea có trên 20 điểm bán… Riêng Gong Cha - thương hiệu được lòng hầu hết giới trẻ chỉ sở hữu 20 cửa hàng nhượng quyền nhưng lại là cái tên nổi bật trong suốt thời gian qua. Thương hiệu The Coffee House đến tháng 7/2018 đã chạm mốc 100 cửa hàng.

Ngoài thức uống, các chuỗi cửa hàng, dịch vụ ăn đang có sự bứt phá mạnh mẽ như: Golden Gate, Món Huế, Redsun, The KAfe Group, QSR Vietnam...

"Hút" doanh nghiệp ngoại

Với tham vọng thống lĩnh thị trường, năm 2018, Golden Gate tiếp tục đề ra kế hoạch mở mới 88 cửa hàng, tăng 39% so với cuối năm 2017 lên 316 cửa hàng. Ba thương hiệu chính được Golden Gate tập trung mở trong năm nay là Kichi Kichi, Hutong và Gogi House. Còn Redsun với 12 thương hiệu và hơn 140 cửa hàng trên cả nước, mục tiêu đến năm 2021, mở 450 nhà hàng, trong đó có 200 nhà hàng nhượng quyền trong nước và trên thế giới.

Đại diện Tập đoàn Nhật Thái Restaurant (đơn vị kinh doanh chuỗi nhà hàng lẩu Thái Coca Restaurant) - cho hay: Việt Nam vẫn đang là thị trường đầu tư "màu mỡ" cho các đơn vị kinh doanh F&B. Do đó, mục tiêu đến năm 2022, chuỗi nhà hàng lẩu Thái Coca Restaurant sẽ thành 10 địa điểm.

Bà Patricia Marques - Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam - cho biết, sau 5 năm gia nhập thị trường Việt Nam, Starbucks đã có 34 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng. Theo kế hoạch năm 2018, Starbucks có thể mở từ 10 - 15 cửa hàng tại Việt Nam, tùy theo tình hình kinh doanh.

Trong khi đó, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Jollibee Việt Nam cũng đang mở thêm hàng loạt cửa hàng mới. Theo ông Lâm Hồng Nguyên - Tổng giám đốc Jollibee Việt Nam, giữa tháng 1/2018 doanh nghiệp này đã chọn Cần Thơ là điểm đến đầu tiên. Sau Cần Thơ, công ty dự kiến sẽ mở thêm các cửa hàng khác trong vùng, kể cả các vùng sâu. Đáng chú ý Jollibee còn có kế hoạch đầu tư thêm 1 nhà máy với công suất 300.000 tấn/năm nhằm cung ứng các sản phẩm mỳ, gà... với chất lượng đảm bảo an toàn cao nhất cho các chuỗi cửa hàng đang hiện hữu.

Ngành F&B tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao với sự hiện diện của nhiều DN trong và ngoài nước. Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor đánh giá, giai đoạn 2014 - 2019, thị trường F&B Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18% năm.

Dương Thảo