Chuyên gia thuế bày cách nhận diện rủi ro thuế với doanh nghiệp trước ‘cuộc chơi’ CPTPP
Công cụ lớn nhất của CPTPP là các chính sách thuế
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Hà Nội lần thứ hai với chủ đề “Tác động của chính sách thuế đến doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP”, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội (Hanoisme) phát biểu rằng Việt Nam sắp tham gia “cuộc chơi” có đến 500 triệu dân và chúng ta bị đánh giá là kém phát triển hơn so với các nước còn lại.
Ông Mạc Quốc Anh nhận định, công cụ lớn nhất mà Hiệp định CPTPP sử dụng để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển của các nước thành viên chính là những chính sách thuế. (Ảnh: Hiếu Quân) |
Ngày 8/3, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết tại Chile. Tham gia Hiệp định gồm 11 nước thành viên: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Thỏa thuận CPTPP sẽ giảm thuế nhập khẩu tại 11 nước có tổng GDP hơn 10.000 tỷ USD, chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu. Đây là một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới. |
Ông Mạc Quốc Anh thông tin: “Tổng thu ngân sách của thành phố Hà Nội năm 2017 là 197.000 tỷ đồng, con số được giao cho năm 2018 là 300.000 tỷ đồng. Thành phố vẫn tồn tại chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể (tập trung nhiều ở các làng xã, làng nghề), Chính phủ đang giao nhiệm vụ vận động những hộ này thành những Công ty TNHH”.
Tổng thư ký Hanoisme nhận định, doanh nghiệp tư nhân sẽ là động lực chính cho phát triển kinh tế thủ đô và đất nước. Vậy làm cách nào để các doanh nghiệp – nhất là những doanh nghiệp có ngành nghề đặc trưng – nâng cao được sức cạnh tranh? Công cụ lớn nhất mà Hiệp định CPTPP sử dụng để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển của các nước thành viên chính là những chính sách thuế.
Chuyên gia "tiên tri" rủi ro thuế của các doanh nghiệp
Cũng tại Diễn đàn, khi nói về kỹ năng kiểm tra, phát hiện sai sót, rủi ro năm trước và năm hiện tại với các loại thuế khi quyết toán thuế, chuyên gia thuế, TS. Nguyễn Văn Thức chỉ ra hàng loạt dấu hiệu có thể nhìn thấy trước của doanh nghiệp.
Chuyên gia thuế, TS. Nguyễn Văn Thức chỉ ra hàng loạt dấu hiệu có thể nhìn thấy trước rủi ro về thuế của các doanh nghiệp. (Ảnh: Hiếu Quân) |
Rủi ro đầu tiên có thể nhận thấy ngay chính là việc doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký, số vốn ghi trên giấy tờ thường lớn hơn thực tế rất nhiều. Điều này là kết quả của việc các doanh nghiệp làm tròn số liệu trên giấy tờ, hồ sơ, họ cố gắng huy động hoặc vay vốn – thậm chí sử dụng đến cả vốn ảo.
“Hiện nay, phần tiền ảo, chi phí ảo này có thể bị cơ quan thuế nhận diện bằng các công nghệ nên nguy cơ xuất toán sẽ rất lớn. Đó là còn chưa kể, nếu sử dụng vốn ảo, không minh bạch về vốn, các doanh nghiệp cũng có nguy cơ gặp nhiều rủi ro khi muốn tham gia đấu thầu và tìm kiếm đối tác..., TS. Nguyễn Văn Thức nói.
Một rủi ro khác có thể nhận thấy tại doanh nghiệp là việc không có nhiều tiền mặt cho công ty. Doanh nghiệp có thể xử lý bằng cách vay tiền của cá nhân và trong khâu này tỷ lệ doanh nghiệp làm tròn số liệu trên hồ sơ cũng rất nhiều. Cách vay chủ yếu nhất là vay tiền của các chủ doanh nghiệp, tuy nhiên hình thức vay tiền nay mang tính ảo cao, các phiếu thu vì thế thường lòng vòng.
TS. Thức đánh giá, tiền vào ảo nên tiền ra cũng ảo, doanh nghiệp cũng có thể nhập nhằng khi giao dịch những khoản dưới 20 triệu đồng bởi theo quy định những khoản chi tiêu này không cần xuất hóa đơn. Đây không chỉ là điểm rủi ro của doanh nghiệp mà còn là của cơ quan thuế.
Điểm rủi ro lớn thứ ba có thể dễ dàng nhận thấy tại doanh nghiệp là việc hàng tồn kho gây đọng vốn bởi kinh doanh vốn có triết lý “không ai để đọng vốn”. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng cần lưu ý kỹ bởi hầu hết các doanh nghiệp đều có thực trạng hàng tồn trong kho chưa chắc đã trùng với số liệu trên sổ sách.
Ông Thức khẳng định: “Không có chuyện doanh thu 1 tỷ đồng, tồn kho cũng là 1 tỷ đồng được. Bảng cân đối kế toán vẫn cân đó, “cân” là đường nhiên, nhưng từ “cân” đến “đúng” vẫn có sự khác nhau. Các cơ quan quản lý cho doanh nghiệp một “chiếc giày”, còn đi cái gì vào trong “chiếc giày” đó lại là việc của các doanh nghiệp”.
Ngoài ba rủi ro chính về thuế nói trên mà cơ quan quản lý có thể dễ dàng phát hiện ra khi kiểm tra, đối chiếu sổ sách với kho, còn có một số đặc điểm khác thể hiện rủi ro của doanh nghiệp có thể nhận ra như: doanh nghiệp trả lương thấp cho người lao động; trích lập các quỹ phúc lợi, dự phòng không đáng kể; tỷ suất giá vốn/doanh thu thuần thấp so với ngành nghề tương đương...
Hiện nay đang tồn tại một thực trạng ngược là doanh nghiệp quốc doanh thì thường báo cáo lãi nhưng thực tế lại lỗ; trong khi doanh nghiệp ngoài quốc doanh lại báo cáo lỗ trong khi thực tế lại lãi. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh “rất thích lỗ” trên giấy tờ bởi như vậy sẽ không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thậm chí báo cáo cắt lỗ năm đầu, nhưng như vậy sẽ đẩy lãi các năm sau lên rất cao...
“Dù kinh doanh ngành nghề gì thì cũng có nhịp độ và tốc độ tăng trưởng nhất định, không có chuyện các chỉ tiêu lãi lỗ bị vống lên ở một thời điểm nhất định – khi đó doanh nghiệp sẽ rất khó giải thích. Chưa nói việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của đơn vị, mà nếu doanh nghiệp báo cáo lỗ liên tục thì cũng không có cơ quan nào dám xác nhận thuế cho họ, như vậy doanh nghiệp cũng khó mà mở rộng thị trường hay tìm kiếm đối tác được”, vị chuyên gia thuế nhấn mạnh.