|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia Cấn Văn Lực: 'Lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm ở các lĩnh vực không phải ưu tiên sẽ khó giảm'

11:32 | 19/11/2019
Chia sẻ
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, việc điều chỉnh giảm lãi suất tại các ngân hàng chỉ mang tính chất cục bộ, lãi suất cho vay cũng chỉ giảm ở các lĩnh vực ưu tiên chứ không phải ở các lĩnh vực khác.

Trước động thái giảm lãi suất trần huy động ngắn hạn và giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại trong nước cũng lần lượt thông báo cắt giảm lãi suất huy động ở nhiều kì hạn. 

Đặc biệt một số ngân hàng còn thực hiện điều chỉnh cả lãi suất cho vay như Vietcombank hay MSB.

Để có cái nhìn sâu hơn về những động thái này, chúng tôi đã thực hiện phỏng vấn Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Ông đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của việc NHNN thực hiện giảm lãi suất trần huy động?

TS. Cấn Văn Lực: Khi NHNN giảm lãi suất trần huy động ngắn hạn thì lãi suất tiên gửi trên thị trường 1 sẽ chịu ảnh hưởng giảm. Tuy nhiên, nguồn vốn ngắn hạn không phải là vấn đề khó khăn đối với các ngân hàng thương mại hiện nay. 

Trong thời gian gần đây cơ bản các ngân hàng đều đẩy mạnh huy động vốn trung dài hạn, do đó động thái này có ảnh hưởng tới thị trường 1 nhưng ở mức độ không nhiều lắm.

Ngay trong ngày NHNN điều chỉnh lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại cũng có động thái giảm lãi suất, liệu điều này có tạo thành một xu hướng chung đến cuối năm hay không, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Việc cắt giảm lãi suất này chỉ xảy ra cục bộ ở một số ngân hàng mà không phải ở tất cả các ngân hàng trong hệ thống.

Mục đích chính của các ngân hàng này là nhằm cơ cấu lại nguồn vốn huy động hợp lí hơn. Điều này có nghĩa là ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm huy động nguồn vốn này và tăng huy động nguồn vốn khác. Ví dụ một số ngân hàng có thể giảm kì hạn 3 tháng, đồng thời tăng lãi suất kì hạn 6 tháng hoặc 1 năm.

Tóm lại là các ngân hàng đang cơ cấu lại danh mục huy động nguồn vốn của mình trong bối cảnh họ đã chuẩn bị tương đối về nguồn vốn để đảm bảo cho việc tăng trưởng tín dụng cuối năm.

Cùng với đó, đây là một động thái để hưởng ứng động thái của NHNN giảm lãi suất. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất điều hành không có tác động nhiều đến thị trường huy động và cho vay đối với dân cư và các tổ chức (thị trường 1) mà về cơ bản chỉ tác động đến thị trường liên ngân hàng là chính.

ccasdcaca

Theo ông xu hướng lãi suất cho vay cuối năm có thay đổi trước những động thái này?

TS. Cấn Văn Lực: Lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm ở các lĩnh vực không phải ưu tiên sẽ khó giảm. Điều này thể hiện trên thực tế là có thể sẽ có một số ngân hàng sẽ giảm lãi suất đầu ra tuy nhiên chỉ áp dụng với một số lĩnh vực ưu tiên chứ không phải tất cả.

Và một nguyên nhân quan trọng nữa là lãi suất hiện nay không phải điểm nghẽn đối với câu chuyện tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng hay đối với doanh nghiệp bởi vì lãi suất đang ở mức rất thấp so với thời kì đỉnh điểm trước đây.

Theo thông báo điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước:

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kì hạn và có kì hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm;

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kì hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm;

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kì hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm;

Lãi suất tiền gửi có kì hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được điều chỉnh giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm;

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.

Thông báo có hiệu lực kể từ ngày 19/11/2019.


Diệp Bình