Chủ tịch Thành Thành Công: Không thể đổ thừa mãi năng lực cạnh tranh ngành đường hạn chế là do hạn điền
'Không thể đổ thừa mãi cho vấn đề hạn điền'
Tại Tọa đàm với chủ đề "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt” do Báo Thanh Niên tổ chức, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cho biết thời điểm Việt Nam mới gia nhập Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) rất nhiều người lo ngại về việc không thể cạnh tranh với đường nước ngoài và họ đổ thừa nhiều vấn đề trong đó có hạn điền.Nhưng cái gì cũng phải có giải pháp, không thể bó tay.
“Đồng ý là ngành mía đường có vấn đề hạn điền nhưng chúng tôi đã cố gắng vượt qua. Tại Gia Lai, chúng tôi đã thành công trong việc gom các hộ nhỏ lẻ thành hợp tác xã bậc cao. Chúng tôi cam kết lợi nhuận cho các hộ nông dân trồng mía là 20 triệu/ha, nếu vượt thì họ hưởng thêm. Những cam kết đó có sự chứng kiến của chính quyền bởi chúng tôi tự tin vào công nghệ, đi dần vào vấn đề chất lượng, truy suất nguồn gốc”, ông Thành cho biết.
Ngoài ra, ông Thành cho hay công ty đang cải tiến quy trình trồng mía, dần chuyển sang sử dụng phân hữu cơ.
“Đích thân tôi qua Thái Lan học. Trước đây, chúng ta chỉ cài gốc cây mía sâu 3 tấc nhưng chúng tôi cài được 8 tấc để phát huy khả năng hấp thụ dinh dưỡng dưới lòng đất đồng thời thân cây cũng rất vững, không bị gió đẩy đưa vì rễ đã bén sâu. Niềm vui nhất của chúng tôi là trước đây sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng sau này chúng tôi đã có bộ phận nghiên cứu, đưa ra con thiên địch là ong mắt đỏ. Chúng tôi đã rất thành công không chỉ ở Tây Ninh, Lào và Campuchia”, chủ tịch TTC nói.
Ngoài ra, ông cũng đang đẩy mạnh cơ giới hoá cho cây mía: ”Chúng tôi đang cố gắng đưa công cụ hiện đại cùng nông dân giải quyết vấn đề tăng năng suất, làm sao giảm lao động phổ thông càng nhiều càng tốt. Những cái này chúng phải làm chứ không thể đổ thừa mãi được”
Cần đẩy mạnh việc chế biến sâu thay vì xuất thô
Ông Thành nhận định việc nhập khẩu đường thô để chế biến quan trọng với ngành đường, tạo việc làm cho người lao động khi hết vụ thu hoạch mía.
“Chúng tôi cũng đã từng kiến nghị với Bộ Công Thương khuyến khích nhập khẩu đường thô, dừng nhập khẩu đường tinh. Nếu nhập khẩu đường thô thì chúng ta giải quyết được việc làm cho người lao động đồng thời đẩy mạnh việc chế biến sâu. Bất cứ nông sản nào chúng ta chế biến sâu thì mới có hiệu quả, nếu không thì chúng ta chỉ xuất thuần tuý sản phẩm thô”, ông Thành nói.
Trong các cuộc đấu giá phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường do Bộ Công Thương tổ chức gần đây, thường mặt hàng đường thô chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện sự có mặt của đường tinh luyện.
Theo đó, cuối tháng 12/2022,5 doanh nghiệp được phân giao 100.000 tấn đường thô bổ sung của niên vụ 2021-2022 và 2 doanh nghiệp (Suntory Pepsico Việt Nam và Cocacola Việt Nam)được phân giao 25.000 tấn đường tinh luyện.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc của CTCP Tập đoàn Phúc Sinh cho rằng các doanh nghiệp nên nhập khẩu thô và chế biến sâu.
Bản thân ngành tiêu Việt Nam cũng đang làm điều này ngay cả khi sản lượng lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50% thị phần. Theo đó, Việt Nam nhập khẩu tiêu thô từ Brazil sau đó chế biến sâu và tái xuất.
“Chính sách của Việt Nam dành cho nông nghiệp rất tự do và khuyến khích nhưng thành bại phụ thuộc nhiều doanh vào việc doanh nghiệp có muốn làm ăn đàng hoàng hay không, có muốn xây dựng bền vững hay không. Nhưng khi xây dựng chính sách thì cũng cần bền vững, chứ không phải hôm nay thế này ngày mai thế kia thì không ai chơi với chúng ta cả”, ông Thông nói.