|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vẫn chịu áp lực từ hàng nhập lậu, giá đường nội địa chỉ tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2023

07:48 | 06/04/2023
Chia sẻ
VNDirect cho rằng nửa đầu năm 2023, giá đường trong nước có thể tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022, lên 18.500 đồng/kg. Tuy nhiên, đường nội địa vẫn phải chịu áp lực từ phía đường nhập lậu.

Trong báo cáo ngành đường, công ty chứng khoán VNDirect dẫn số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor cho thấy nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam được dự báo sẽ tăng 1,7% trong năm 2023. Trong khi đó, sản lượng mía đường chế biến năm 2023 dự kiến sẽ đạt 8,7 triệu tấn, tăng 16,5% so với năm 2022 và sản lượng đường đạt 870.930 tấn, tăng 17%, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA).

VNDirect cho rằng các biện pháp phòng vệ thương mại đã có tác động rõ rệt hơn so với năm 2022, lượng đường nhập khẩu và tồn kho đường nhập khẩu giá rẻ trong năm 2022 cũng đang giảm dần.

“Giá đường nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023. Tuy nhiên, đường nhập khẩu vẫn chiếm khoảng 70% tổng nguồn cung, trong đó đường nhập lậu vẫn sẽ gây áp lực cạnh tranh lên giá đường trong nước”, VNDirect nhận định.

(Nguồn: VNDirect)

Bộ phận phân tích kỳ vọng giá đường toàn cầu trong nửa đầu năm 2023 sẽ được hỗ trợ bởi sản lượng đường của Ấn Độ dự kiến thấp hơn; đường của châu Âu chịu tác động tiêu cực do thời tiết bất lợi (hạn hán); các doanh nghiệp sản xuất mía đường Brazil dự kiến sẽ tiếp tục ưu tiên sản xuất ethanol thay vì đường do đợt tăng giá xăng gần đây.

VNDirect cho rằng giá đường Việt Nam sẽ diễn biến theo xu hướng của giá đường thế giới. Tuy nhiên, đường Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh từ đường nhập lậu nên giá đường trong nước nửa đầu năm 2023 có thể chỉ tăng nhẹ 4,2% so với cùng kỳ, lên 18.500 đồng/kg.

Việc giá thu mua mía ổn định hơn so với năm 2022 sẽ tạo động lực cho người dân mở rộng diện thích trông mía đảm bảo nguồn cung nội địa.

Trong tháng 2/2023, Gia Lai đã xảy ra nhiều vụ cháy do mùa khô gây thiệt hại về sản lượng mía và thu nhập của người nông dân. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng ghi nhận diện tích trồng mía giảm trong những năm gần đây do nông dân chuyển sang trồng các loại cây ăn trái có lợi nhuận cao hơn.

VNDirect cho rằng các công ty chủ yếu sử dụng nguyên liệu mía trong nước như đường Sơn La và đường Lam Sơn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ xu hướng giá đường tăng. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu đường thô để sản xuất đường tinh luyện như đường Quảng Ngãi hay đường Thành Thành Công, giá bán đường cao trong năm 2023 sẽ bù đắp phần nào cho giá đường thô nhập khẩu tăng.

Tuy nhiên, bộ phận phân tích cũng chỉ ra một số rủi ro với ngành đường trong năm 2023, đó là việc đường nhập lậu, gian lận thương mại chưa được kiểm soát triệt để có thể tạo áp lực cạnh tranh về giá với đường trong nước.

Ngoài ra, thời tiết hanh khô ở nhiều vùng mía dễ xảy ra cháy, ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng mía. Giá mía giảm sẽ khiến nông dân giảm diện tích mía để chuyển sang cây trồng khác có lợi ích kinh tế cao hơn.