Chủ doanh nghiệp kể mẹo tìm người ham học và khiêm tốn
Một nghiên cứu cho thấy, trong thời kỳ kinh tế suy thoái vừa qua, những doanh nghiệp ở Mỹ chú trọng đào tạo hoặc hỗ trợ người lao động đi học những kỹ năng cần thiết đạt mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân tới 26%, so với mức lỗ trung bình 14% của những công ty không quan tâm tới việc học của người lao động. Sau khi thời kỳ suy thoái chấm dứt, tình trạng tương tự vẫn tiếp diễn.
Vậy những công ty nhỏ, mới khởi nghiệp có thể tạo ra văn hóa học tập bằng cách nào? Một số doanh nhân đã kể những giải pháp của họ.
"Văn hóa doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm và hành động của những người đứng đầu. Việc tạo ra văn hóa học tập trong công ty sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều nếu họ tuyển những người có tinh thần học cả đời. Ngược lại, những người ham học cũng sẽ cảm thấy hài lòng trong môi trường khuyến khích học tập. Và hạnh phúc sẽ làm tăng năng suất của người lao động", ông Lê Diệp Thanh Tùng, giám đốc công ty du lịch Sài Gòn Hòn Ngọc, phát biểu.
Cách tìm ứng viên ham học hỏi khi phỏng vấn
Giải pháp của ông Tùng là tuyển những người ham học, khao khát tìm hiểu ngay từ quá trình phỏng vấn. Chẳng hạn, các chuyên viên nhân sự của công ty sẽ hỏi ứng viên về sở thích, thú vui của họ.
"Kinh nghiệm của tôi cho thấy những người có tinh thần học tập cả đời thường có thú vui, sở thích ngoài công việc. Sở thích của họ có thể là chơi nhạc, chụp ảnh, tập yoga. Trong quá trình phỏng vấn, nếu ứng viên nói rằng họ không có sở thích nào ngoài công việc thì đó là dấu hiệu cho thấy họ thuộc nhóm người thích học tập thường xuyên", anh Tùng nói.
Bùi Thị Thanh Trà, giám đốc công ty công nghệ quảng cáo Light Gold, nhận định nhà tuyển dụng nên coi trọng sự tò mò như các kỹ năng cứng. Theo chị, công việc của mọi người thay đổi theo thời gian, nên ứng viên hoàn hảo không phải là người có đủ các kỹ năng cứng và mềm để có thể làm tốt ngay, mà sẽ là những người có nhiều kỹ năng cộng với khả năng và sự sẵn sàng học bất kỳ thứ gì cần thiết để làm việc trong tương lai.
"Nhà tuyển dụng nên nêu những vấn đề mà công ty đối mặt để xem ứng viên có ý kiến gì không. Những người ham tìm hiểu nhất thường đặt câu hỏi và cố gắng giải quyết vấn đề ngay lập tức", chị Trà nói.
Để tìm người khiêm tốn, chị Trà cho rằng nhà tuyển dụng nên hỏi ứng viên xem họ không am hiểu khía cạnh nào trong công việc.
"Một trong những yếu tố quan trọng đối với tư duy học tập liên tục là khả năng thừa nhận bạn không biết thứ gì đó. Nếu ứng viên đủ khiêm tốn để nói về những thứ họ không biết trong cuộc phỏng vấn, chắc chắn đó là người phù hợp với môi trường khuyến khích học tập", chị Trà lập luận.
Chị Trà khẳng định khi môi trường kinh tế trở nên khó khăn, những nhân viên khiêm tốn và ham học sẽ có thể thích nghi với tình hình mới và tìm ra những giải pháp để vượt khó khăn.
"Trên thực tế, những người ham học thường rất thích thử thách. Một đội ngũ gồm nhiều người có tinh thần học tập sẽ giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn và phát triển với động lực mới khi thời kỳ thuận lợi quay trở lại", nữ doanh nhân bình luận.
Đưa tinh thần học hỏi vào chính sách của doanh nghiệp
Chính sách là phần không thể tách rời của văn hóa doanh nghiệp. Theo anh Hồ Thanh Tuấn, giám đốc công ty Dịch vụ kỹ thuật Tín Phát, nếu doanh nghiệp biến học tập liên tục thành chính sách của công ty, nó sẽ trở thành một phần trong hoạt động hàng ngày.
"Một chính sách như thế sẽ tác động tới các quyết định ở mọi cấp. Theo thời gian, học tập liên tục sẽ trở thành giá trị cốt lõi của công ty", anh Tuấn bình luận.
Từ góc độ lập kế hoạch, anh Tuấn cho rằng một việc quan trọng là đưa mục tiêu học của người lao động vào các mục tiêu tăng trưởng và ưu tiên của doanh nghiệp.
"Các cấp quản lý của công ty nên đánh giá nỗ lực học tập của cấp dưới, coi đó là một chỉ số đo lường sự phát triển. Bằng cách ấy, văn hóa học tập sẽ ngấm vào từng thành viên trong doanh nghiệp một cách tự nhiên", anh nói.