Bí quyết để 'binh mỏng' vẫn có thể 'đánh trận lớn'
Nguyễn Hoàng Đạt, giám đốc công ty hạt điều Vinahe, khẳng định rằng, nếu sắp xếp 10 doanh nhân vào một phòng họp, chúng ta sẽ nghe họ đọc những câu "thần chú" giống nhau - như khẩn trương, tập trung vào mục tiêu, làm nhiều việc hơn với số lượng người ít hơn, tồn tại trên thương trường.
"Dù thực hiện những câu thần chú ấy với cảm hứng dâng trào, chúng không thể bảo đảm thành công cho tất cả doanh nhân. Đó là lý do hơn 50% startup thất bại trong 5 năm đầu", anh Đạt phát biểu.
Anh Nguyễn Hoàng Đạt, giám đốc công ty Vinahe, cùng các cộng sự. Ảnh: NVCC
"Binh mỏng" là thách thức ban đầu trong hành trình khởi nghiệp
Vị giám đốc của Vinahe nhấn mạnh rằng "binh mỏng" là khó khăn muôn thuở của những startup trong giai đoạn đầu. Nhiều thất bại thực sự là "sản phẩm phụ" của một ý tưởng tồi hay một đội ngũ nhỏ.
"Đôi khi mọi việc hoàn hảo tới khi công ty phát triển nhanh khiến đội ngũ nhỏ không xoay sở kịp. Một trang web có lượt xem tăng vùn vụt rồi sập, một người bán hàng nhận quá nhiều đơn rồi gục ngã vì không có đủ hàng trong kho và không thể giao mọi đơn hàng đúng hạn. Thậm chí tôi từng đọc một bài báo về một nhà hàng bên Mỹ. Sau khi nhận danh hiệu nhà hàng tuyệt vời nhất ở Mỹ do trong một cuộc khảo sát, nhà hàng đó phải đón tiếp quá nhiều khách và cuối cùng họ đóng cửa", anh Đạt nói.
Với thực tế bất biến là đội ngũ nhỏ, anh Đạt khẳng định doanh nghiệp vẫn có thể phát triển nếu họ biết cách đa nhiệm hóa từng cá nhân trong đội ngũ.
"Mọi doanh nghiệp, dù đang trong giai đoạn hay quy mô nào, đều cần những hệ thống cho phép đội ngũ của họ có khả năng thực hiện nhiều chức năng", anh Đạt nhận xét.
Đề ra kỳ vọng với cộng sự và học hỏi từ người khác
Trong những ngày đầu trong hành trình khởi nghiệp, Lê Anh Xuân, giám đốc công ty bảo mật 689 Cloud, cảm thấy may mắn vì 3 doanh nghiệp lớn ký hợp đồng. Nhưng sau niềm vui, nỗi lo ập tới, bởi khi ấy công ty chỉ là một nhóm nhỏ với 4 người làm việc toàn thời gian và 3 người làm bán thời gian.
"Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng phục vụ tốt cả 3 khách hàng rồi gia hạn hợp đồng với hai trong số họ", anh Xuân kể.
Để có thể đạt mục tiêu, anh Xuân xây dựng kế hoạch chi tiết từ cấp độ tổng thể tới chi tiết.
Ảnh minh họa: INC
"Khi xây dựng đội nhóm, tôi luôn nói trước với những người mới rằng công việc sẽ đòi hỏi cả những kỹ năng, kiến thức bên ngoài lĩnh vực chuyên môn của họ. Tôi luôn cố gắng để họ hiểu rằng những doanh nghiệp thành công phải hướng tới những sứ mệnh lớn hơn khả năng của họ và chỉ những người luôn sẵn sàng nhận thêm trách nhiệm mới có hy vọng thành công", anh Xuân nói.
Từ khi khởi nghiệp, Xuân nhận ra rằng mọi người sẵn sàng giúp người khác hơn so với anh nghĩ.
"Hãy tìm một người am hiểu chuyên môn của bạn, nêu một vấn đề bạn đang gặp và yêu cầu họ tư vấn. Khi đó bạn sẽ thấy rằng rất nhiều người sẵn sàng tư vấn nhiệt tình cho chúng ta. Nếu bạn tập trung vào một vấn đề cụ thể, bạn sẽ luôn có cơ hội nhận những giải pháp cụ thể từ những người xung quanh", anh nhấn mạnh.
Giao nhiệm vụ quản lý cho mọi thành viên và đánh giá hàng tuần
Giám đốc Nguyễn Hoàng Đạt cho rằng mọi khía cạnh trong dự án đều cần một người quản lý.
"Trong mỗi dự án, tôi luôn giao trách nhiệm quản lý hoạt động chăm sóc khách hàng và hoạt động nội bộ cho hai người khác nhau. Những người này sẽ nắm rõ trách nhiệm của từng người trong nhóm và có thể giao việc hay truy trách nhiệm của từng thành viên", anh nói.
Giao trách nhiệm quản lý cho mọi thành viên, theo anh Đạt, cũng là cách để công ty bồi dưỡng đội ngũ quản lý kế cận, hoặc có nhân sự để trám vào chỗ trống của người quản lý nếu họ thôi việc.
Họp vào đầu tuần và cuối tuần là một thói quen của của anh Đạt. Vào thứ Hai, ban lãnh đạo điểm qua mục tiêu chính của từng người trong cuộc họp khoảng 30 phút. Vào thứ Sáu, nhóm dành một tiếng để điểm lại những mục tiêu.
"Nếu ai đó chưa đạt mục tiêu, chúng tôi sẽ thảo luận để tìm nguyên nhân, đồng thời vạch ra giải pháp để đạt mục tiêu", anh nói.
Họp 15 phút mỗi ngày
Nhiều người ngại họp. Đó là một thực tế. Tuy nhiên, anh Xuân lập luận rằng, nếu mọi người thảo luận 15 phút mỗi ngày, họ sẽ không coi đó là cuộc họp.
"Chúng tôi thường tổ chức thảo luận trong 15 phút mỗi ngày về cách hỗ trợ thành viên trong nhóm gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Khi công ty phát triển nhanh, người lãnh đạo cần bảm dảm rằng mọi thành viên đang thực hiện tốt công việc của họ, còn nhân viên luôn hiểu công ty sẵn sàng hỗ trợ họ. Những cuộc thảo luận ngắn thực hiện được vai trò đó", anh Xuân bày tỏ.
Quan điểm của anh Xuân là "đa nhiệm" không nhất thiết dẫn đến tình trạng không hiệu quả nếu chủ doanh nghiệp có thể bảo đảm các yếu tố: minh bạch, có kế hoạch, có cơ chế hỗ trợ.
"Trong ngắn hạn, đa nhiệm sẽ cải thiện hoạt động kinh doanh của công. Về dài hạn, nó sẽ giúp chúng ta xác định những nơi cần sự hỗ trợ lớn nhất trong quá trình tăng trưởng", anh bình luận.