|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mẹo để khách hàng tình nguyện quảng cáo miễn phí cho thương hiệu

06:54 | 23/04/2019
Chia sẻ
Phần lớn người tiêu dùng trong độ tuổi 18-35 đề cao sự chân thực hơn mẫu mã và sự hoàn hảo, nên họ có xu hướng xa lánh những doanh nghiệp hay dùng phép so sánh hơn nhất để tiếp thị.

Trước thời đại mạng xã hội, các thương hiệu tự nói về họ. Ví dụ, nội dung trên một tấm biển quảng cáo ngoài trời của Coca-Cola đương nhiên sẽ do Coca-Cola viết. Ngày nay, một bài về Coca-Cola trên mạng xã hội có thể xuất hiện bởi cảm hứng của một người bất kỳ.

Đối với các thương hiệu, hiện tượng ấy là con dao hai lưỡi. Một mặt, người tiêu dùng sẽ không ngần ngại chia sẻ những trải nghiệm tồi với sản phẩm, dịch vụ, và 97% số họ đọc các đánh giá, bình luận trên mạng. Nhưng mặt khác, một khách hàng hài lòng sẽ chủ động khen ngợi thương hiệu.

Làm thế nào để các thương hiệu thôi thúc người mua chia sẻ trải nghiệm tích cực và hạn chế phát tán trải nghiệm xấu là câu hỏi mà mọi doanh nghiệp đều muốn tìm đáp án.

Ưu tiên tính chân thực, tự nhiên

Mặc dù tính xác thực của thương hiệu là yếu tố quan trọng đối với mọi thế hệ người tiêu dùng, song nhiều nghiên cứu cho thấy những người trong độ tuổi 18-35 quan tâm tới nó nhất. Đó là nhận định của Phùng Hương, giám đốc điều hành công ty truyền thông Kingchain Media. 

"Kinh nghiệm của tôi cho thấy 9/10 người tiêu dùng trong độ tuổi 18-35 đề cao sự chân thực và tự nhiên hơn nhãn hiệu và những quảng cáo hoàn hảo. Họ sẵn sàng bỏ rơi một thương hiệu nếu phát hiện nội dung tiếp thị không chân thực", chị Hương phát biểu.

Mẹo để khách hàng tình nguyện quảng cáo miễn phí cho thương hiệu - Ảnh 1.

Trong thời đại của mạng xã hội, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trên mạng đã là việc khó, chứ chưa nói tới việc khuyến khích họ tự quảng bá thương hiệu. Ảnh: singlegrain.com

Định nghĩa tính chân thực là việc khó, nhưng thực thi nó lại rất dễ. Chị Hương cho rằng mọi thương hiệu nên tỏ ra minh bạch trong các thông điệp và cách thức truyền thông. 

"Chẳng hạn, doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe nên cung cấp những mẹo chữa bệnh mà mọi người đều có thể tự thực hành, đồng thời giảm thiểu những tính từ so sánh hơn nhất trong thông điệp quảng cáo và truyền thông. Họ không nên nói sản phẩm của họ thuộc dạng tốt nhất, dịch vụ của họ đạt nhiều giải thưởng nhất", Hương lập luận.

Ngoài ra, Hương cũng lưu ý các doanh nghiệp mới rằng họ nên thể hiện quan điểm của họ trước các vấn đề xã hội để tăng mức độ chân thực.

"Một số doanh nghiệp không bao giờ lên tiếng trước những vấn đề gây tranh cãi trong xã hội. Đó không phải là chiến lược xây dựng thương hiệu hay. Khi doanh nghiệp công bố chính kiến về một vấn đề, những người có cùng quan điểm sẽ tích cực quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp", Hương nói.

Xây dựng cộng đồng những người có ảnh hưởng

Ở những nền kinh tế phát triển, tiếp thị qua người có ảnh hưởng là khái niệm quen thuộc với doanh nghiệp. Hàng loạt cuộc khảo sát cho thấy tới 60% doanh nghiệp ở Mỹ sẽ tăng ngân sách cho tiếp thị ảnh hưởng trong năm 2019.

"Những người có ảnh hưởng là vũ khí hiệu quả trong một số lĩnh vực - như mỹ phẩm hay thời trang. Tuy nhiên, người kinh doanh nên nhớ rằng không có người ảnh hưởng nào có thể tác động tới mọi đối tượng khách hàng. Một nhân vật có sức hút trong lĩnh vực ẩm thực chưa chắc phù hợp với mảng nước giải khát và ngược lại. Tìm một nhân vật có cá tính, nền tảng và quan điểm phù hợp với thương hiệu là việc không đơn giản, nhưng rất quan trọng", Nguyễn Thị Bình Nguyên, người sáng lập công ty truyền thông Kawaii, khẳng định.

Nguyên nhắc lại rằng người có ảnh hưởng không nhất thiết là người nổi tiếng toàn quốc. Họ có thể là những người có từ 1.000 tới 5.000 người theo dõi trên mạng xã hội, có tiếng nói trong một mảng hẹp như học ngoại ngữ hay thảo dược giảm cân.

"Khi doanh nghiệp có mối quan hệ tốt với một cộng đồng cá nhân có ảnh hưởng, họ cũng sẽ có luôn vài trăm nghìn cộng tác viên tiếp thị miễn phí, luôn nhiệt tình quảng bá, tiếp thị cho thương hiệu mà không đòi hỏi một xu", Nguyên nói.

Khuyến khích người tiêu dùng chia sẻ hình ảnh thương hiệu

Lưu Thanh Phong, phó giám đốc một công ty đào tạo quảng cáo trực tuyến ở Hà Nội, khẳng định nội dung hay vẫn trở nên vô dụng nếu chỉ vài người thấy. Vì thế, anh luôn tư vấn doanh nghiệp khuyến khích người tiêu dùng đăng những nội dung tích cực về sản phẩm, dịch vụ lên mạng xã hội bằng cách tổ chức các buổi nếm thử sản phẩm, tham quan xưởng sản xuất hay tích điểm dịch vụ. 

Mẹo để khách hàng tình nguyện quảng cáo miễn phí cho thương hiệu - Ảnh 2.

Các thương hiệu nên có cơ chế thưởng cho những người viết những bài về sản phẩm, dịch vụ có khả năng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Ảnh: lamar.com

"Do nội dung mà người tiêu dùng tự đăng là món quà vô giá, doanh nghiệp nên đưa ra phần thưởng nếu người dùng có thể thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng với bài viết của họ", Phong bình luận.

Chẳng hạn, theo Phong, một công ty lữ hành có thể tặng một chuyến du lịch miễn phí cho những người có thể đạt 5.000 lượt chia sẻ bài viết của họ về một tour của công ty. Một trung tâm ngoại ngữ có thể tặng một cuốn sách cho những người đạt 1.00 lượt chia sẻ bài viết của họ về khóa học.

"Ở phần lớn công ty, ngân sách quảng cáo lớn gấp hàng nghìn lần giá của một cuốn sách. Đó là chưa kể tới việc công ty sẽ tiết kiệm vô số thời gian cho hoạt động tiếp thị. Ngoài ra, đây cũng là cách tốt nhất để tăng mức độ gắn bó của khách hàng đối với thương hiệu lên mức tối đa", Phong nhấn mạnh.

Nhạc Dương