|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chiêu bài mới của ông Biden với Trung Quốc: Chọn nữ luật sư gốc Đài làm Đại diện Thương mại Mỹ

18:58 | 12/12/2020
Chia sẻ
Bà Katherine Tai là người biết tiếng Quan Thoại với nhiều năm kinh nghiệm về Trung Quốc. Khi chọn bà Tai làm nhà đàm phán thương mại của chính phủ, ông Joe Biden đang gửi đi một thông điệp không thể nhầm lẫn về các ưu tiên của ông trong hoạt động thương mại thời hậu Trump.

Hôm 10/12, nhóm chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Joe Biden đã thông báo lựa chọn bà Katherine Tai làm Đại diện Thương mại Mỹ.

Họ nhấn mạnh kinh nghiệm của bà Tai tại văn phòng Đại diện Thương mại với tư cách là cố vấn trưởng về thực thi thương mại với Trung Quốc cũng như khả năng giải quyết các tranh chấp của Washington với Bắc Kinh tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đại diện Thương mại, một vị trí ít được công chúng chú ý, đã thu hút nhiều sự quan tâm hơn trong những năm gần đây nhờ cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc. Ông Trump chính là người chỉ định Đại diện Thương mại Robert Lighthizer dẫn đầu các cuộc đàm phán với Phó Thủ tướng Lưu Hạc.

Theo Nikkei Asia, bà Tai hiện là trưởng cố vấn thương mại của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện. Trước đó, bà từng là nhân viên chủ chốt tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi làm việc cho Đảng Dân chủ trong ủy ban trên.

Nếu ông Biden cân nhắc đưa Mỹ trở lại TPP (hiện tại là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, CPTPP), kinh nghiệm cũ của bà Katherine Tai sẽ khá có ích.

Khi chính quyền ông Obama đàm phán các điều khoản của TPP, Đại diện Thương mại Mỹ khi đó - ông Michael Froman, là nhà đàm phán chính.

Bà Tai sinh ra tại bang Connecticut, có cha mẹ là công dân Mỹ gốc Đài Loan. Sau đó, bà theo học tại Đại học Yale và Trường Luật thuộc Đại học Harvard. Bà thông thạo tiếng Quan Thoại và từng giảng dạy tiếng Anh tại Đại học Sun Yat-sen (Quảng Châu, Trung Quốc) với tư cách là nghiên cứu sinh của Đại học Yale những năm 1990.

Nikkei dẫn lời bà Wendy Cutler, cựu nhà đàm phán thương mại Mỹ từng làm việc với bà Tai, cho hay: "Katherine Tai sở hữu kiến thức chuyên môn cần thiết ngay tại thời điểm căng thẳng thương mại song phương Mỹ - Trung liên tục leo thang".

Bà Cutler, hiện là Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, mô tả người đồng nghiệp cũ là "một người biết giải quyết vấn đề và rất thẳng thắn".

Chiêu bài mới của ông Biden với Trung Quốc: Đưa nữ luật sư gốc Đài lên làm Đại diện Thương mại Mỹ - Ảnh 1.

Bà Katherine Tai nhận thấy chính sách thương mại của Mỹ cần phải hoạt động song song với chiến lược công nghiệp trong nước thì mới có thể đẩy lùi Trung Quốc. (Ảnh minh họa: AP/Kyodo),

Khi còn hoạt động trong Quốc hội Mỹ, bà Tai đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy các thay đổi mới liên quan đến Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), hiệp định tập trung vào các vấn đề lao động và môi trường.

Công nhận thành tựu của ông Trump

Dù là thành viên Đảng Dân chủ, bà Tai vẫn công khai thừa nhận chính quyền ông Trump có một số chính sách đúng đắn về thương mại với Bắc Kinh.

"Về thương mại, bài học đầu tiên mà tôi rút ra được trong ba năm rưỡi qua chính là không hẳn 100% chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Trump đều sai lầm", bà Tai cho hay tại một hội thảo do Hiệp hội Luật Quốc tế Mỹ hồi tháng 8 năm nay.

Liên quan đến WTO, bà Tai cho rằng "bản chất các lo ngại và vấn đề mà chính quyền ông Trump đã nêu ra tại Geneva và tại Mỹ" bao hàm lợi ích của lưỡng đảng. Trước đó, ông Trump từng đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi WTO, song lại vấp phải phản đối của Đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, đằng sau các động thái đối đầu và khiêu khích, chính sách thương mại của chính quyền ông Trump trước Bắc Kinh mang tính phòng thủ hơn.

Phản ứng này hình thành sau hàng loạt hành vi thương mại không công bằng và kéo dài của Trung Quốc, chẳng hạn như chính sách trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước và cưỡng ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ cho công ty nội địa, bà Tai lập luận tại một sự kiện khác.

"Theo tôi, chiến lược tấn công của chúng ta là làm sao để bản thân, lực lượng lao động, các ngành công nghiệp trong nước và đồng minh phải phản ứng nhanh hơn, cạnh tranh tốt hơn và cuối cùng là bảo vệ cuộc sống dân chủ của chúng ta", bà Tai nhấn mạnh.

Bà còn nói thêm, chính quyền ông Biden sẽ đưa ra một đánh giá rõ ràng về "bản chất của thách thức và mối đe dọa mà Trung Quốc tạo ra". Với định hướng đó, Mỹ nhiều khả năng sẽ quay lại bàn đàm phán thương mại tự do và có thể cân nhắc tái gia nhập TPP.

Trong khoảng thời gian Mỹ vắng mặt trong các cuộc đàm phán thương mại tự do trên toàn cầu, Trung Quốc đã tích cực lấp đầy chỗ trống. Đầu tiên, Bắc Kinh kí kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cùng 15 nước khác. Gần đây, chính quyền ông Tập Cận Bình còn báo hiệu Trung Quốc sẽ cân nhắc tham gia CPTPP.

Để cạnh tranh với Trung Quốc, bà Tai nhận thấy Mỹ cần có chính sách thương mại kết hợp nhuần nhuyễn cùng chiến lược công nghiệp nội địa phù hợp.

Mục tiêu gia tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ là một trong các nền tảng trong lời hứa tranh cử của ông Biden, cho thấy chính quyền mới có thể sẽ tăng cường tài trợ ngân sách nghiên cứu trong các lĩnh vực hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu tiên tiến và công nghệ sinh học.

Nếu được Thượng viện xác nhận, bà Tai sẽ là người Mỹ gốc Á đầu tiên giữ trọng trách Đại diện Thương mại Mỹ. Một trong các thách thức đầu tiên của bà Katherine Tai sẽ là xử lí thuế quan trừng phạt và thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc.

Khả Nhân