Bộ trưởng Thương mại Mỹ: Trung Quốc là mối đe dọa kinh tế, quân sự số 1 của châu Á
South China Morning Post (SCMP) dẫn lời Bộ trưởng Ross tại Hội nghị thượng đỉnh châu Á 2020 của Viện Milken hôm 8/12: "Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng lớn nhất và là mối đe dọa kinh tế và quân sự chính trong khu vực".
Ông cho biết Bộ thương mại Mỹ đã áp đặt 539 loại thuế trừng phạt, trong đó 210 loại liên quan đến Trung Quốc, mặc dù không nêu rõ chúng được đặt ra trong khoảng thời gian nào. Washington đã đưa "khá nhiều" công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại của Mỹ.
Chính quyền Trump tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế đối với các công ty và quan chức Trung Quốc trong những ngày cuối của nhiệm kì. Tổng thống đắc cử Joe Biden được cho là sẽ phải đối mặt với áp lực từ lưỡng đảng để giữ thái độ cứng rắn với Trung Quốc khi ông nhậm chức vào tháng sau.
Mỹ và Trung Quốc kí thỏa thuận thương mại tạm thời vào tháng 1/2020 sau gần hai năm đàm phán căng thẳng. Mỹ đồng ý giảm thuế cho 110 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc xuống còn 7,5% (250 tỉ USD hàng Trung Quốc vẫn phải chịu thuế 25%).
Về phần mình, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong hai năm và cải thiện việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Tốc độ mua hàng của Trung Quốc đã chậm lại trong đợt bùng phát COVID-19 đầu năm nhưng được cải thiện vào mùa hè. Thương mại là một trong số ít lĩnh vực gắn kết giữa Bắc Kinh và Washington khi mối quan hệ giữa hai bên rơi xuống mức thấp nhất trong năm nay vì các vấn đề công nghệ, nhân quyền, Hong Kong, và Biển Đông.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Ross cho biết Trung Quốc đã thực hiện 57 cam kết kĩ thuật và mua hơn 23 tỉ USD nông sản theo mục tiêu đã được thống nhất.
"Con số này bằng khoảng 70% tổng số đã thỏa thuận, nhưng tiếc là với các mặt hàng khác Trung Quốc không đạt được tiến độ như vậy. Giờ Trung Quốc đã tuyên bố phục hồi sau đại dịch, chúng tôi hi vọng họ sẽ hoàn thành mục tiêu hai năm của thỏa thuận thương mại".
Thỏa thuận giai đoạn một không giải quyết được các vấn đề cơ cấu chính trong nền kinh tế Trung Quốc vốn từ lâu đã gây bất bình cho giới đầu tư nước ngoài.
Trong cuộc phỏng vấn tuần trước với tờ The New York Times, ông Biden khẳng định sẽ không nhanh chóng bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Ông dự định xem xét đầy đủ về thỏa thuận thương mại tạm thời và tham vấn với các đồng minh trước khi ra quyết định.
Hôm 7/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với một nhóm giám đốc cấp cao của Mỹ rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện các cam kết của mình theo thỏa thuận, Reuters đưa tin.
Ông Vương Nghị cũng kêu gọi nối lại đối thoại kinh tế và đề xuất tiếp tục các cuộc đàm phán về hiệp ước đầu tư song phương. Hiệp ước này đã chấm dứt mà không có kết luận cuối cùng vào cuối thời chính quyền Obama.
Bộ trưởng Ross bảo vệ việc ông Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận hạt nhân Iran và Hiệp định Khí hậu Paris nhưng nói rằng Mỹ đã tiếp tục hợp tác kinh tế với châu Á.
Ông cũng nói rằng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) không giải quyết các vấn đề nhạy cảm nhất liên quan tới doanh nghiệp nhà nước, trợ cấp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường bình đẳng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/