|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các cấp dưới của ông Trump tăng cường chỉ trích Trung Quốc trong tháng cuối nhiệm kì

15:04 | 11/12/2020
Chia sẻ
Nối gót Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã đưa ra một số bình luận, nhấn mạnh mối nguy hiểm của Trung Quốc đối với cộng đồng quốc tế.

Vài tuần trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump đang ra sức tô vẽ hình ảnh Trung Quốc là một mối đe dọa cần phải xử lí.

Hôm 10/12, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Á của Viện Milken, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết một trong các thành tựu của ông Trump trong 4 năm qua chính là việc ông đã cho thế giới thấy "một vấn đề lớn" với Trung Quốc.

"Tổng thống Trump nhận ra hệ thống thương mại toàn cầu đã đi chệch hướng. Chúng ta cần phải điều chỉnh lại mục tiêu của hệ thống thương mại. Đồng thời, chúng ta còn phải đối phó với Trung Quốc như nền kinh tế đang phát triển lớn nhất thế giới, là một hệ thống rất khác so với phần còn lại", ông Lighthizer cho hay.

Các cấp dưới của ông Trump tăng cường chỉ trích Trung Quốc trong giai đoạn cuối nhiệm kì - Ảnh 1.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. (Ảnh: Reuters).

Theo CNBC, trước Đại diện Thương mại Mỹ, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm 8/12 khẳng định Trung Quốc là "mối đe dọa kinh tế và quân sự chính" ở châu Á.

Ông Lighthizer, vốn là một người có tư tưởng hoài nghi Trung Quốc, cho biết các chính sách công nghiệp của đất nước tỉ dân đã gây tổn hại cho Mỹ và các nền kinh tế khác. Ông lặp lại các cáo buộc phổ biến về hoạt động của chính phủ Trung Quốc, chẳng hạn như trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước và ép buộc công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc.

Trên thực tế, các quốc gia khác cũng có cùng mối quan ngại về Trung Quốc như Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền ông Trump thường thích đơn phương đối đầu với Bắc Kinh và chỉ trích các cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đại diện Thương mại Mỹ khẳng định chính quyền ông Trump đã hợp tác cùng các đồng minh. Theo ông Lighthizer, Washington đã tham gia vào một nhóm ba bên gồm Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Ba bên đã gặp mặt nhiều lần trong 4 năm qua để thảo luận về các vấn đề như qui tắc thương mại của WTO.

Tuy nhiên, Mỹ không thể cho phép đồng minh "phủ quyết" các quyết định liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ, ông Lighthizer nhấn mạnh.

Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ thường xuyên áp đặt các chính sách trừng phạt đối với Trung Quốc dựa trên cơ sở an ninh quốc gia, bao gồm tăng thuế quan thương mại và hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận các nhà cung ứng quan trọng ở Mỹ.

Gần đây nhất, vào ngày 7/12, Washington đã áp lệnh trừng phạt 14 quan chức cấp cao của Trung Quốc với cáo buộc các cá nhân này gây hại quyền tự trị của đặc khu hành chính Hong Kong.

Trước đó, Bắc Kinh cũng đã phản pháo, yêu cầu Washington không lấy cớ an ninh quốc gia để cấm vận doanh nghiệp Trung Quốc. Bình luận này được đưa ra hôm 4/12, sau khi Mỹ tuyên bố đưa 4 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách cấm vận, gồm Tập đoàn Sản xuất Vật liệu Bán dẫn Quốc tế (SMIC), Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC), Công ty Công nghệ Xây dựng Trung Quốc và Công ty Tư vấn Kĩ thuật Quốc tế Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia không đồng tình với cách ông Trump giải quyết mối lo Trung Quốc, mới đây nhất có cựu Thượng nghị sĩ Bob Corker (Đảng Cộng hòa). Theo ông Corker, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính là bỏ lỡ cơ hội để gây áp lực lên Trung Quốc cũng như để xây dựng một liên minh có thể tạo ra khác biệt lớn.

Tổng thống đắc cử Joe Biden có cùng quan điểm với các chuyên gia. Hiện tại, chính quyền ông Biden đang tìm hướng đi mới so với cách tiếp cận của ông Trump.

Vị tổng thống đắc cử của Đảng Dân chủ nói ông sẽ làm việc với các đồng minh ở châu Âu và châu Á để đưa ra một "chiến lược chặt chẽ hơn" để đối phó với Trung Quốc, trong đó có phương án xây dựng liên minh dân chủ toàn cầu.

Khả Nhân