Chiến lược tốn kém của ví điện tử để đối phó với tội phạm đánh bạc online
Lợi dụng ví điện tử, cổng thanh toán trung gian nhiều đối tượng đã phổ biến hình thức cờ bạc chẵn lẻ, tài xỉu, dựa trên mã giao dịch chuyển tiền.
Đầu tháng 11, Công an Bắc Giang đã triệt phá đường dây đánh bạc qua ví điện tử MoMo với số tiền giao dịch gần 3.000 tỷ đồng.
Chỉ trong giai đoạn 1 của chuyên án đã xác định trên 6.000 ví điện tử MoMo do đối tượng tạo lập tổ chức đánh bạc và trên 71.000 ví điện tử Momo khác đánh bạc.
Thông qua mạng xã hội, nhóm đối tượng kết nối với nhau lập ra tranh đánh bạc, đặt mua các sim rác trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội từ đó tạo các tài khoản ví MoMo. Do MoMo hạn chế số tiền giao dịch mỗi ngày và số lệnh chuyển tiền, các đối tượng thu mua nhiều tài khoản để chuyển tiền.
Cách chơi đơn giản khi người cơi chỉ cần chuyển tiền tới các số điện thoại có trên website bằng ví điện tử. Hạn mức mỗi lần tham gia từ 20.000 đồng tới 3 triệu đồng/lệnh. Sau khi hoàn thành lệnh chuyển tiền, ví thông báo một mã giao dịch.
Có nhiều hình thức như chọn số chẵn hoặc lẻ, chọn số lớn hoặc bé, đánh ba số,…
MoMo cho biết riêng trong năm ngoái đã hợp tác với cơ quan chức năng trong 1.500 vụ điều tra liên quan tới lợi dụng cổng thanh toán, ví điện tử, ứng dụng ngân hàng để đánh bạc.
Kẽ hở trên ví điện tử
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, có khoảng 100 doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) đang hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tiếp đến là tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng… Trong đó, có 40 ví điện tử được cấp phép hoạt động ở thị trường Việt Nam.
Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến thì việc phạm tội trên môi trường số sẽ ngày càng tăng lên bộc lộ những kẽ hở trên ví điện tử, cổng trung gian thanh toán.
Thứ nhất, đối tượng có thể dễ dàng mua sim, tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội để mở các ví điện tử nhằm luân chuyển dòng tiền phạm tội.
Theo VTV, một số điện thoại có thể mở được 3 tài khoản ví, với số tiền giao dịch tối đa 100 triệu đồng/ngày/ví. Do đó, đối tượng có thể mở hàng ngàn ví điện tử như vậy để nhận tiền từ hoạt động tội phạm.
Năm ngoái, Momo đã chặn, khoá giao dịch và báo cáo cơ quan chức năng hơn 10.000 tài khoản có dấu hiệu vi phạm.
Thứ hai, theo MoMo, các đối tượng phạm tội có kiến thức, trình độ công nghệ cao, sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi để tổ chức hoạt động cờ bạc, đồng thời các hình thức cờ bạc mới liên tục xuất hiện.
Trong khi đó, các doanh nghiệp không có thẩm quyền và chuyên môn trong việc xác minh, phòng chống tội phạm.
“Việc phải liên tục chạy đua với các đối tượng phạm tội khiến doanh nghiệp phải đầu tư các giải pháp kỹ thuật tốn kém, đồng thời đòi hỏi nhiều nhân lực cũng như thời gian triển khai, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như trải nghiệm của người dùng”, phía doanh nghiệp cho hay.
Chạy đua với tội phạm online
Trao đổi với chúng tôi, phía MoMo cho biết để ngăn chặn vấn nạn đánh bạc online, công ty đã đầu tư nghiên cứu giải pháp với hơn 100 chuyên gia, kỹ sư với chi phí hàng chục tỷ đồng, chỉ riêng trong giai đoạn 12/2021 - 2/2023.
“Đây là một vấn đề rất thách thức vì các đối tượng tội phạm dựa vào mã giao dịch chuyển tiền của ví điện tử để đánh bạc, nếu hủy bỏ thì không thể phân biệt các loại giao dịch, không thể thực hiện tra soát giao dịch trên toàn bộ hệ thống”, phía MoMo nói.
Đầu năm nay, ví điện tử có thị phần lớn nhất tại Việt Nam theo Decision Lab, đã thay đổi quy trình nghiệp vụ. Trong đó, ứng dụng sẽ hiển thị mã giao dịch cho người gửi trước khi họ thực hiện giao dịch, thay vì hiển thị sau như trước đây.
Đồng thời, MoMo đã mua bản quyền và tích hợp công nghệ v-key vào hệ thống để ngăn chặn các đối tượng cờ bạc sử dụng thiết bị giả lập để truy cập vào ứng dụng và quét mã giao dịch tự động nhằm mục đích cá cược.
Công ty cũng siết chặt quy định mở tài khoản ví. Theo đó, một căn cước công dân có thể mở ba tài khoản MoMo nhưng một số điện thoại chỉ có thể đăng ký một tài khoản.
Để có thể sử dụng ví điện tử, người dùng cần phải dùng CCCD/CMND để xác thực thông tin trùng khớp với số điện thoại và tài khoản ngân hàng.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, hạn mức chi tiêu ví điện tử là 100 triệu đồng/tháng. Nếu người dùng có hai hoặc ba số điện thoại được đăng ký với một CCCD/CMND thì tổng hạn mức trong tháng cho tất cả tài khoản cũng chỉ là 100 triệu đồng.